Cái giá của chiến tranh có thể phải trả ngay nhưng có khi nó âm ỉ ngấm vào đời sống xã hội. Iraq đã qua chiến tranh nhưng tái thiết lại đất nước sau chiến tranh sẽ chẳng dễ với đất nước đầy tiềm năng dầu mỏ này.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), mặc dù là một đất nước giàu tài nguyên dầu mỏ, Iraq đã phải hứng chịu nhiều thập kỷ với cơ sở hạ tầng đổ nát vì hậu quả các cuộc chiến tranh liên tiếp và vấn nạn tham nhũng tràn lan. Hàng thập niên xung đột và tình trạng thiếu đầu tư tại Iraq đã hủy hoại hệ thống giáo dục từng được coi là phát triển hàng đầu khu vực. Thống kê cho thấy, hiện có khoảng 3,2 triệu trẻ em Iraq không được đến trường. Do đó, việc xây trường học là nỗ lực đầu tiên để đưa trẻ tới trường.
Trong khi người Mỹ mang súng đạn tới Iraq thì Trung Quốc lại rất biết cách lấp chỗ trống khi quân Mỹ rút lui. Mỹ mang súng tới thì Trung Quốc xây trường học. Hãng thông tấn Iraq (INA) ngày 19-12 đưa tin, Iraq vừa ký thỏa thuận với 2 doanh nghiệp Trung Quốc để xây dựng 1.000 trường học trong vòng 2 năm tới. Các thỏa thuận mới nhất được ký dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Iraq - Mustafa al-Kadhemi, theo đó Công ty Power China sẽ xây dựng 679 trường học và Công ty Sinotech xây dựng 321 trường còn lại. Dự kiến, Iraq sẽ thanh toán kinh phí triển khai các dự án xây dựng này bằng nguồn thu từ sản phẩm dầu mỏ.
Nếu biện pháp này tiếp tục được triển khai thì Iraq cũng cần nhiều dầu để đổi cho Trung Quốc. Theo Bộ Nhà ở Iraq, quốc gia này sẽ cần xây dựng tổng cộng khoảng 8.000 trường học để đáp ứng nhu cầu của ngành giáo dục. Hơn thế, Ngân hàng Thế giới cảnh báo lĩnh vực giáo dục của Iraq, vốn đang tụt hậu so với nhiều nước trên thế giới.
Nam Long