
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến TP. Rio de Janerio dự Hội nghị thượng đỉnh.
Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) lần thứ 17 vừa diễn ra tại TP. Rio de Janeiro (Brazil), là bước tiến nữa của Nhóm đến mục tiêu trở thành một trụ cột quan trọng trong thế giới đa cực.
Được thành lập vào năm 2009 bởi Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc nhằm thúc đẩy tính đa cực trong nền kinh tế toàn cầu, BRICS từng bước lớn mạnh với sự gia nhập của Nam Phi (năm 2010); Iran, Ai Cập, Ethiopia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (2024) và Indonesia (2025). Đây có thể coi là diễn đàn để nhiều nước Nam bán cầu, những nước đang trỗi dậy, tạo đối trọng với với xu hướng “phương Tây hóa” thế giới.
Lâu nay, trong con mắt của Nam bán cầu, trật tự thế giới không còn phù hợp với thực tế của nhiều nước, nhiều nền kinh tế. Họ không còn muốn chấp nhận vài nước châu Âu và Mỹ quyết định số phận thế giới theo hệ thống hình thành từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Chống thế bá quyền của Mỹ và đồng USD cũng như trật tự thế giới do phương Tây hình thành và thống trị từ sau năm 1945 là mẫu số chung cho những nước tham gia và muốn tham gia BRICS.
Ngày nay, chiếm hơn một nửa dân số thế giới (so với 10% dân số của Nhóm các nước công nghiệp phát triển G-7) và 35% GDP toàn cầu (cao hơn của G-7), với quy mô và sức mạnh kinh tế liên tục tăng, BRICS ngày càng định vị mình như một trung tâm quyền lực mới, một nền tảng thay thế các quy định toàn cầu hiện tại. Các nước thành viên BRICS, cùng với các đối tác mới mở rộng, đang ảnh hưởng ngày càng đáng kể đến chương trình nghị sự kinh tế và chính trị toàn cầu.
Với sự tham dự của các nhà lãnh đạo 10 quốc gia thành viên chính thức, các nước đối tác cùng Tổng thư ký Liên Hợp quốc, đại diện của xã hội dân sự và giới doanh nghiệp, Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này là cơ hội để Nhóm tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, cải cách hệ thống quản trị toàn cầu, tham gia vào việc giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, đại dịch, an ninh thông tin...
Hai ngày Hội nghị ở Rio de Janeiro (6 và 7-7) đã trở thành sự kiện quan trọng trong chương trình nghị sự toàn cầu của BRICS, khẳng định xu hướng tăng cường thể chế của BRICS và mở rộng ảnh hưởng của BRICS trong nền chính trị toàn cầu. Chủ đề chính của Hội nghị là “Tăng cường hợp tác Nam bán cầu để quản trị toàn diện và bền vững hơn” cho thấy rõ mục tiêu của BRICS không chỉ là giải quyết nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế, mà còn phải hình thành các chuẩn mực mới về quản trị toàn cầu.
Theo định hướng trên, Hội nghị tập trung vào 6 ưu tiên chính, bao gồm hợp tác y tế toàn cầu; thương mại, đầu tư và tài chính; biến đổi khí hậu; quản trị trí tuệ nhân tạo; kiến trúc hòa bình và an ninh đa phương; phát triển thể chế. Đặc biệt, Hội nghị nhấn mạnh đến nỗ lực cải cách các hệ thống hòa bình và an ninh toàn cầu để giải quyết hiệu quả các cuộc xung đột, ngăn ngừa các cuộc khủng hoảng nhân đạo và thúc đẩy các giải pháp ngoại giao; đồng thời tăng cường cơ cấu và sự gắn kết của BRICS để đảm bảo quản trị và ra quyết định hiệu quả.
Trong tư cách nước đối tác, Việt Nam lần đầu tiên tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS. Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Hội nghị là dịp để Việt Nam một lần nữa khẳng định thông điệp của hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển cũng như quyết tâm và khát vọng phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
Việc tham dự Hội nghị là cơ hội để Việt Nam tham gia chủ động, tích cực vào quá trình thúc đẩy quản trị toàn cầu bao trùm, bền vững cũng như trao đổi kinh nghiệm, quan điểm, tầm nhìn, thực tiễn về phát triển, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực phù hợp với ưu tiên và lợi ích của Việt Nam.
Đây cũng là dịp để Việt Nam thúc đẩy đa dạng hoá quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các khu vực có nhiều tiềm năng, thu hút tối đa các nguồn lực quốc tế phục vụ các mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ là một cầu nối đối ngoại quan trọng nhằm củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam với Brazil, cũng như nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam ở khu vực Trung và Nam Mỹ.
Kết quả của Hội nghị thượng đỉnh Rio de Janeiro là bằng chứng khẳng định các nước thành viên BRICS, cùng với các đối tác mới mở rộng, đang chứng tỏ ảnh hưởng ngày càng đáng kể đến chương trình nghị sự toàn cầu. Trong thế giới đầy biến động, BRICS tiếp tục là điểm tựa cho việc tái cân bằng toàn cầu về quyền lực kinh tế, ngoại giao và chuẩn mực mà các nước Nam bán cầu đang hướng tới.
Tiến Thành