(Tiếp theo và hết)
Sau thắng lợi chuyến đầu, tàu 41 tiếp tục vào Vũng Rô hai chuyến nữa. Việc tiếp nhận vũ khí từ các chuyến tàu “không số” đã được quân, dân Phú Yên tổ chức chu đáo, chặt chẽ. Từ bến Vũng Rô, những con đường mòn bí mật len qua khe núi, đèo dốc, với sự tham gia của hàng nghìn thanh niên xung kích, dân công ngày đêm vận chuyển hàng trăm tấn khí tài về hậu cứ và tỏa đi khắp các chiến trường Nam Trung Bộ, trang bị kịp thời cho những trận đánh lớn, mở rộng vùng giải phóng.
Tháng 2-1965, Bộ Tư lệnh Hải quân giao nhiệm vụ cho tàu C143 do Thuyền trưởng Lê Văn Thêm phụ trách vận chuyển 60 tấn vũ khí vào bến Lộ Diêu (Bình Định). Sau nhiều ngày vất vả, hiểm nguy nhưng không thể đưa tàu vào bến, Bộ Tư lệnh Hải quân đã quyết định cho tàu vào Vũng Rô. Ngày 15-2-1965, tàu C143 vào bến Vũng Rô, đến gần 4 giờ, toàn bộ hàng mới bốc hết, tàu quay ra thì tời neo bị hỏng. Sửa chữa xong thì trời sáng, nên tàu C143 đành ở lại, các thủy thủ và du kích chặt cây phủ lên tàu để ngụy trang, nhưng vẫn cứ lù lù như một núi đá nhỏ lạ nhô ra biển. Sáng 16-2-1965, một máy bay của địch từ Quy Nhơn về Nha Trang qua Vũng Rô, tên phi công phát hiện ra “một mỏm đá lạ nhô ra trên vách núi phía Tây Vũng Rô”. Ngay lập tức, viên phi công báo cáo về bộ chỉ huy Quân đoàn 2 địch đóng ở Nha Trang. Chỉ ít phút sau, mấy chiếc máy bay các loại của địch đến trinh sát, rồi thả bom xăng xuống “mỏm đá lạ”. Lá ngụy trang cháy hết, lộ ra con tàu nằm trên biển.
Phát hiện chính xác mục tiêu, địch lập tức huy động cả máy bay, tàu chiến và pháo binh, bộ binh tập trung tấn công lực lượng của ta ở Vũng Rô, bắt đầu cuộc chiến không cân sức. Lực lượng của ta gồm thủy thủ tàu C143, bộ binh và dân quân du kích kiên cường đánh trả, nhằm bảo vệ đến cùng số vũ khí từ miền Bắc đưa vào. Ý đồ của địch muốn bắt sống tàu C143 và chiếm vũ khí ta cất giấu, nên chỉ thả bom quanh tàu chứ không tiêu diệt. Biết ý đồ của địch, Chỉ huy trưởng bến Trần Suyền ra lệnh hủy tàu. Nhưng việc hủy tàu cũng không đơn giản, do sức ép của bom, đạn địch lúc này tàu đã bị nghiêng, các cửa đều đóng chặt, không thể vào được trong khoang. Nhiệm vụ hủy tàu xóa dấu vết được giao cho ông Nguyễn Ngọc Cảnh và ông Dương Kính, sử dụng gói bộc phá 100kg thuốc nổ. Do không thể lên tàu nên ta phải chọn phương pháp ốp bộc phá vào tàu kích nổ. Những mảnh vỡ của con tàu văng lên tận đỉnh núi, nhưng con tàu vẫn chỉ vỡ đôi…
Địch tiếp tục điều thêm quân đến, khiến cuộc chiến ngày càng khốc liệt. trước thế địch quá mạnh, quân ta chủ trương phá vòng vây rút lui và hủy số vũ khí còn lại, nhưng vì số lượng khí tài tồn còn quá nhiều, nên không hủy hết. Bọn địch quyết chiếm hang Vàng, bị ta cho nổ tung kho vũ khí khiến nhiều tên bị thiệt mạng. Sau đó, chúng tổ chức lặn tìm trang bị, vũ khí của ta ở con tàu chìm, tháo gỡ một số bộ phận của tàu mang về Sài Gòn mở triển lãm để rêu rao chiến công thu hồi khí tài do miền Bắc tiếp tế bằng đường biển.
Từ đây, con đường vận chuyển chiến lược trên biển vốn được xây dựng kỳ công và bí mật, đã bị lộ. Nhưng sự kiện Vũng Rô đã gây cho kẻ địch một phen kinh hoàng. Đại tá hải quân Mỹ R.Sorhesdley đã viết: “Vụ Vũng Rô khẳng định điều đã ngờ trong một thời gian dài nhưng chưa có bằng chứng. Số lượng vũ khí lớn bị phát hiện đã chỉ ra, nhiều lô hàng lớn hơn đã được chở đến bằng tàu trước đó. Sự xuất hiện đồng thời các loại vũ khí mới cỡ 7,62mm của Việt cộng ở những vùng ven biển khác nói lên một điều chắc chắn là Việt cộng còn sử dụng các vị trí khác nữa để nhận hàng chuyển bằng đường biển”.
Thời gian qua đi nhưng chiến công của đường Hồ Chí Minh trên biển, đặc biệt là sự kiện Vũng Rô mãi mãi là nhưng mốc son chói lọi trong lịch sử chống đế quốc Mỹ xâm lược. Năm 1986 Vũng Rô đã trở thành Di tích lịch sử cấp Quốc gia và đến năm 2001 Bia di tích bến Vũng Rô, Đài tưởng niệm Vũng Rô được xây dựng, để mãi khắc ghi một sự kiện oai hùng trong lịch sử chiến tranh dân tộc. Vũng Rô và những chuyến tàu “không số” huyền thoại mãi mãi là niềm tự hào của nghệ thuật quân sự Việt Nam, mãi mãi là niềm tự hào của quân và dân Phú Yên và của cả dân tộc Việt Nam anh hùng.
Đại tá Anh hùng LLVTNDĐặng Phi Thường