Đoàn Kiểm tra T.Ư Hội CCB Việt Nam làm việc và kiểm tra Hội CCB tỉnh Bình Thuận.

Hoạt động giám sát và phản biện xã hội (GSPBXH) của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội được cụ thể hóa bằng các Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị Khóa XI về công tác GSPBXH và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam; Nghị quyết liên tịch số 43/2017 ngày 15-6-2017 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26-10-2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GSPBXH của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Những năm qua, các cấp Hội CCB Việt Nam đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, sự chỉ đạo hướng dẫn của các cấp ủy Đảng, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành tích cực, chủ động tham gia góp ý xây dựng đảng, chính quyền bằng nhiều hình thức, cách làm thiết thực, hiệu quả.

Hội CCB từ T.Ư đến cơ sở đã tích cực tham gia các hội nghị, tọa đàm góp ý xây dựng văn kiện Đại hội Đảng các cấp, nghiên cứu, tham gia ý kiến vào dự thảo nghị quyết chuyên đề của cấp ủy, các dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Hoạt động GSPBXH có nhiều chuyển biến tích cực, tập trung giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách đối với CCB; tham gia phản biện nhiều dự án luật liên quan đến quân sự, quốc phòng và đời sống xã hội.

Năm 2023, toàn Hội chủ trì phản biện 763 dự thảo văn bản, phối hợp tham gia ý kiến 1.245 dự thảo văn bản... Nhiều ý kiến đóng góp của Hội CCB được các cấp soạn thảo tiếp thu, đánh giá cao, giúp cấp ủy, chính quyền xem xét, quyết định ban hành các chủ trương, chính sách trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở địa phương. Lực lượng CCB luôn gương mẫu, đi đầu trong các nhiệm vụ như giải phóng mặt bằng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông; gương mẫu thực hiện những vấn đề khó, phát hiện những vấn đề còn bất cập, hoặc mới nảy sinh, kịp thời phản ánh với cấp ủy, chính quyền khắc phục những vấn đề bức xúc trong nội bộ nhân dân; nêu cao vai trò trách nhiệm góp ý công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về phẩm chất, đạo đức, lối sống, nhất là sự nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên...

Đội ngũ cán bộ, hội viên ở các cấp Hội bằng bản lĩnh, bằng kinh nghiệm, uy tín của mình đã luôn bán sát cơ sở, gần gũi, động viên giúp đỡ, góp ý xây dựng đội ngũ đảng viên, phát hiện giới thiệu nguồn phát triển đảng viên, xây dựng đội ngũ cán bộ ngay từ cơ sở. Điểm nổi bật trong năm 2023, các cấp Hội đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành tham mưu cho cấp ủy địa phương tổ chức tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI). Qua tổng kết tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của Hội CCB, nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp của chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác CCB.

Năm 2023, Hội CCB tỉnh Hải Dương kiểm tra 2 Hội cấp huyện; Hội CCB cấp trên cơ sở kiểm tra 126, giám sát 524 Hội cơ sở; Hội cơ sở kiểm tra 694, giám sát  2.465 chi hội, phân hội; 111.932 lượt hội viên. Hội CCB tỉnh, Hội CCB huyện, thành phố, thị xã chủ trì giám sát theo Quyết định 217 được 19 cuộc giám sát cấp ủy, chính quyền về các vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức Hội và hội viên CCB.

Hội CCB tỉnh Sóc Trăng phối hợp chặt chẽ với MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể địa phương thực hiện tốt công tác GSPBXH, qua đó đã tham gia đóng góp 205 ý kiến vào các Nghị quyết của Đảng các cấp; 192 ý kiến xây dựng chính quyền và các nhiệm vụ khác của địa phương; 106 ý kiến đóng góp phản biện vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Qua công tác GSPBXH, các cấp Hội tỉnh Quảng Nam kịp thời phản ánh những việc làm được, chưa làm được trong việc triển khai thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đối với hội viên CCB và người dân. Từ đó phản ánh, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền kịp thời chấn chỉnh những hạn chế của địa phương, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của hội viên CCB nói riêng và nhân dân nói chung.

Tham gia xây dựng đảng, chính quyền luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Hội CCB, tuy còn nhiều khó khăn, nhất là việc giám sát theo Quy định 124-QĐ/TW của Bộ Chính trị, công tác GSPBXH đối với cấp Hội cơ sở chất lượng, hiệu quả chưa cao... đòi hỏi Ban chấp hành, Thường trực các cấp Hội cần bám sát thực tiễn địa phương, chức năng nhiệm vụ của Hội, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy địa phương lựa chọn nội dung, cách làm phù hợp, sáng tạo, hiệu quả, sức lan tỏa sâu rộng, phát huy vai trò là nòng cốt chính trị, củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền.

Thiếu tướng Lương Hồng Phong - Trưởng ban Kiểm tra, Hội CCB Việt Nam