Ông Nguyễn Văn Chung - Phó giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Kon Tum trao đổi với học viên về Quy trình kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác tại Hội nghị Tập huấn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững cho CCB tỉnh Kon Tum.

Là một trong 4 tổ chức hội, đoàn thể làm công tác ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Hội CCB Việt Nam luôn xác định vay vốn và sử dụng vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) muốn đạt kết quả cao thì đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng, hộ gia đình và các cấp Hội, đặc biệt là Hội cơ sở. Nhằm tạo động lực thúc đẩy việc nâng cao chất lượng ủy thác, thời gian qua, các cấp Hội CCB thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác vốn vay ưu đãi theo kế hoạchđể chấn chỉnh kịp thời những tồn tại sai sót của cơ sở, duy trì việc quản lý vốn vay Ngân hàng CSXH không để nợ quá hạn phát sinh.

Luôn bám sát các nội dung ủy thác, các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng CSXH, các cấp Hội cơ sở, các tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) trực thuộc Hội quản lý thực hiện đầy đủ các nội dung ủy thác, đúng chủ trương Đảng, chính sách của Nhà nước, của Chính phủ về tín dụng đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác. Bên cạnh đó, nhiều cấp Hội đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến hội viên trên địa bàn bằng nhiều hình thức như lồng ghép với các hội nghị và các buổi sinh hoạt ở cơ sở.

Căn cứ hướng dẫn của T.Ư Hội, các tỉnh, thành Hội xây dựng kế hoạch tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội và hoạt động ủy thác, bảo đảm chính sách được thực thi có hiệu quả, trong đó tập trung vào các chính sách mới như: Cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình; Nghị định 36/2022/NĐ-CP ngày 30-5-2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng CSXH...

Hoạt động phối hợp với Ngân hàng CSXH và địa phương giám sát đã giúpchấn chỉnh hoạt động của các tổ TKVV (hiện nay còn 774 tổ có chất lượng trung bình, chiếm 2,57% và 55 tổ bị đánh giá là yếu, chiếm 0,18%). Số tiền tạm thời nhàn rỗi gửi vào Ngân hàng CSXH có số dư hơn 2,606 tỷ đồng). Bên cạnh kết quả đạt được, việc tổ chức thực hiện công tác ủy thác của Hội cơ sở vẫn còn một số hạn chế như: Có nơi, có lúc chưa thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, nhắc nhở người vay chưa kịp thời. Cũng qua đó cho thấy vai trò quan trong của tổ trưởng và trách nhiệm người quản lý, duy trì các tổ TKVV trong việc phát huy các biện pháp hiệu quả, góp phần hạn chế, đi đến giảm tỷ lệ nợ quá hạn so với những năm trước. Ngân hàng CSXH và Hội CCB các cấp cần thống nhất xây dựng mối liên kết chặt chẽ và thường xuyên hơn, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, nhắc nhở nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động công tác ủy thác vốn cho vay hộ nghèo trong CCB và các đối tượng chính sách.

Theo báo cáo 6 tháng đầu năm của Ban Kinh tế, Hội CCB Việt Nam, tỷ lệ thu nợ, thu lãi, thu tiền gửi tiết kiệm tăng khá, có nơi vượt kế hoạch đề ra và đặc biệt là không có hiện tượng phát sinh mới về xâm tiêu, vay ké, chiếm dụng vốn… - góp phần tích cực hạn chế tín dụng đen.

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, Hội CCB tỉnh Yên Bái thực hiện và nhân rộng các mô hình kinh tế, giảm nghèo bền vững. Thường trực Hội CCB tỉnh triển khai kế hoạch phát triển kinh tế và kế hoạch kiểm tra, giám sát vốn vay Ngân hàng CSXH; đến nay, tổng dư nợ gần 1.000 tỷ đồng với 19.072 hộ hội viên CCB vay vốn.

Hội CCB tỉnh Kon Tum hiện có hơn 18.000 hội viên. Hoạt động ủy thác cho vay hộ CCB nghèo được duy trì ổn định. Đến nay, toàn tỉnh có 258 tổ TKVV do Hội quản lý với tổng dư nợ hơn 547 tỷ đồng. Qua đó, kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn, giúp hội viên CCB nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Đến nay, toàn tỉnh chỉ còn 11,36% hộ CCB nghèo.

Các cấp Hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hội viên vay vốn của Ngân hàng CSXH, quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác nhận ủy thác với ngân hàng. Từ nguồn vốn này, nhiều CCB đã vươn lên làm kinh tế giỏi nhờ sử dụng vốn vay đúng mục đích, đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, góp phần thực hiện tốt công tác giảm hộ nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng Nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội.

Hồ Thanh Hương