Nhu cầu về nhà ở dưỡng lão cao, nhưng thị trường đang thiếu nguồn cung.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, dân số Việt Nam là 100,3 triệu người; tuổi thọ trung bình là 73,7 tuổi (năm 2022 là 73,6 tuổi) - nam 71,1 tuổi; nữ 76,5 tuổi.

Người dân Việt Nam có tuổi thọ tương đối cao nếu so với các quốc gia có cùng mức sống, tuy nhiên lại có số năm sống với bệnh tật nhiều. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong 10 quốc gia Đông Nam Á, tuổi thọ nam giới Việt Nam đứng thứ 5 và nữ đứng thứ 2. Tuy nhiên, số năm sống có bệnh tật lại cao so với các nước. Dự báo đến năm 2034, trung bình 3 người trong độ tuổi lao động sẽ hỗ trợ 1 người cao tuổi và đến năm 2049 chỉ còn 2 người trong độ tuổi lao động hỗ trợ 1 người cao tuổi. Trong đó, khoảng 70% số người cao tuổi sống ở nông thôn, không có tích lũy vật chất, đa số có bệnh cần được điều trị. Số người cao tuổi cần chăm sóc sẽ tăng từ 2,5 triệu người năm 2019 lên hơn 10 triệu người năm 2049.

Mặc dù đã có những thay đổi về chính sách và kế hoạch 10 năm để cải thiện dịch vụ chăm sóc người cao tuổi đang được áp dụng, hầu hết các hoạt động chăm sóc vẫn được các gia đình và nhóm cộng đồng thực hiện. Nhu cầu về các dịch vụ có liên quan đến viện dưỡng lão đang ngày một tăng lên. Tuy nhiên, ở Việt Nam thị trường này vẫn còn rất sơ khai. Trong số 63 tỉnh, thành, chỉ có 32 tỉnh có cơ sở chuyên biệt dành cho người cao tuổi.

Ở Hà Nội, chi phí để ở trong trung tâm dưỡng lão phân khúc tầm trung khoảng 8-20 triệu đồng/tháng. Mức thấp nhất dành cho đối tượng còn khỏe, ở phòng tập thể 5-8 người. Hầu hết những người vào viện dưỡng lão đều có lương hưu hoặc gia đình có điều kiện. Nhưng trên thực tế, cả nước hiện có gần 2,7 triệu người hưởng lương hưu với mức trung bình 5,4 triệu đồng/tháng.

Có một nghịch lý trong tư tưởng về nhà ở dưỡng lão ở Việt Nam. Trong khi dân số đang già đi, cộng đồng đang thay đổi và người cao tuổi cần được chăm sóc sức khỏe toàn diện, thì vẫn còn sự kỳ thị về nhà ở dưỡng lão. Rất nhiều người vẫn nghi ngờ và phản đối tư tưởng về việc đưa bố mẹ tới sinh sống tại viện dưỡng lão, đồng nghĩa với việc con cái họ không yêu thương cha mẹ. Sự mâu thuẫn về nhà ở dưỡng lão vẫn luôn hiện hữu ở Việt Nam.

Tuy nhiên, xu hướng này sẽ thay đổi trong tương lai gần. Phân khúc viện dưỡng lão được hỗ trợ về mặt y tế và sinh hoạt mang lại một môi trường chuyên nghiệp và dễ chịu cho những người cần chăm sóc, đồng thời giúp đỡ những người không có hiểu biết chuyên môn về chăm sóc người cao tuổi.

Mô hình gia đình truyền thống sẽ dần thay đổi và thập kỷ tới sẽ chứng kiến rất nhiều cơ hội hơn cho phân khúc nhà ở dưỡng lão. Thực trạng của một xã hội đang già đi và thay đổi trong nhu cầu chăm sóc người cao tuổi sẽ thúc đẩy các bất động sản dưỡng lão phát triển.

Nghị quyết 42-NQ/TW ngày 24-11-2023 của BCH T.Ư Khóa XIII xác định rõ mục tiêu tổng quát đến năm 2030 xây dựng hệ thống chính sách xã hội phát triển toàn diện, bền vững, tiến bộ và công bằng, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân; nằm trong nhóm quốc gia có chỉ số phát triển con người (HDI) cao trên thế giới. Trong đó có đề cập tới một số chính sách liên quan tới tốc độ già hóa dân số tăng nhanh đặt ra những thách thức lớn trong bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi.

Chính phủ cũng đã quyết định phê duyệt Chương trình hành động quốc gia người cao tuổi với nhiều nhiệm vụ cụ thể cho ngành lao động và các địa phương. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, Bộ LĐTBXH phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, ban hành các cơ chế, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức tham gia mở rộng mô hình chăm sóc người cao tuổi ở cộng đồng, trung tâm cung cấp dịch vụ dưỡng lão. Các tổ chức quốc tế như Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA), Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) đang hỗ trợ kỹ thuật và khuyến khích Việt Nam phát triển các mô hình viện dưỡng lão. Hiện nay, Chính phủ giao nhiệm vụ nhân rộng từ 1-2 mô hình tại các địa phương có điều kiện đến năm 2025.

Để khuyến khích xã hội hóa, chăm sóc tốt hơn cho người cao tuổi cần có đòn bẩy chính sách giúp hỗ trợ việc xây dựng các trung tâm dưỡng lão dành cho người cao tuổi. Bên cạnh đó cần xây dựng một khung tiêu chuẩn chung, cụ thể đối với việc thiết kế, xây dựng các hệ thống nhà dưỡng lão trên cả nước để làm tiêu chí đánh giá, phân loại và tiến tới xã hội hóa loại hình nhà ở đặc biệt. Việc làm này sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người cao tuổi, phát huy vai trò người cao tuổi phù hợp với tiềm năng và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo đúng tinh thần của chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam.

Hồ Thanh Hương