Di ảnh cụ Phạm Duy Hà.
Tôi và bà Phạm Thị Viễn ở cùng phường, lại cùng sinh hoạt trong chi hội CCB nên gặp nhau thường xuyên. Vậy mà mỗi lần gặp là một lần tôi lại nhớ bức ảnh nổi tiếng, bà “đầu chít khăn tang, giương súng bắn thù”.; Đặc biệt là nhớ những câu thơ trong bài thơ “Việt Nam máu và hoa” của nhà thơ Tố Hữu, khi ông và Đại tướng Võ nguyên Giáp biết tin, đêm 22-12-1972, khẩu đội cao xạ 14,5mm của bà (Tự vệ của Nhà máy cơ khí Mai Động, Hà Nội). bắn rơi chiếc máy bay F-111 “cánh chụp cánh xòe”. Nghe kể về hoàn cảnh của bà, nhà thơ đã xúc động viết: “Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu/ Hỡi em gái mất cha mất mẹ/ Nước mắt rơi làm nhòa mặt quân thù/ Em phải bắn trúng đầu giặc Mỹ…”.Mãi gần đây tôi mới lại biết, cụ Phạm Duy Hả (1919-1972), là một trong những tấm gương chiến sĩ cách mạng trung kiên của Đảng chính là thân phụ của bà.
Cụ Hà vốn có liên hệ với Mặt trận Việt Minh từ trước, nên biết rạng sáng ngày 24-5-1944, chính quyền thực dân Pháp sẽ xử bắn đồng chí Hoàng Văn Thụ tại trường bắn Tương Mai (làng Tương Mai, nay thuộc phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, T.P Hà Nội). Hôm đó cụ và một trong số ít thanh niên Tương Mai được tận mắt chứng kiếngiờ phút cuối cùng vô cùng bất khuất của đồng chí Hoàng Văn Thụ.
Chỉ hai tháng sau khi đồng chí Hoàng Văn Thụ hy sinh, Phạm Duy Hà cùng nhiều thanh niên khác đã tham gia Đoàn Thanh niên Cứu quốc Tương Mai, gồm những người có lòng yêu nước, hăng hái, nhiệt tình tham gia các nhóm thể thao, văn hóa, hướng đạo sinh và trở thành lượng xung kích, nòng cốt trong các phong trào cách mạng ở địa phương và tích cực xây dựng cơ sở, gấp rút chuẩn bị lực lượng cách mạng, đón thời cơ giành chính quyền.
Rạng sáng ngày 17-8-1945, theo sự phân công của tổ chức, Phạm Duy Hàcó mặt tại Đình làng Tương Mai và cùng dòng người mang theo cờ đỏ sao vàng, băng rôn, khẩu hiệu, hàng ngũ chỉnh tề tiến vào nội thành, hòa vào cuộc mít tinh, biểu tình ủng hộ Việt Minh, đánh dấu sự mở đầu cho cuộc nổi dậy giành chính quyền ở Thủ đô. Chiều ngày 17-8, lực lượng cách mạng Tương Mai tuyên bố chính quyền từ nay thuộc về nhân dân; Ủy ban Cách mạng lâm thời ra mắt. Tương Mai trở thành nơi giành chính quyền rất sớm của Hà Nội, trước khi cuộc khởi nghĩa Hà Nội diễn ra.
Bước vào toàn quốc kháng chiến, Phạm Duy Hà tham gia Đội du kích Tương Mai. Hoạt động trong điều kiện bí mật, Đội du kích đã phối hợp chặt chẽ với các đại đội độc lập của Trung đoàn 48, các đội hành động của công an thành phố tấn công các phòng tuyến của địch; củng cố, xây dựng lực lượng ngoại thành thành một bàn đạp vững chắc để tiến vào nội thành. Qua thử thách, một số đội viên du kích được kết nạp Đảng. Năm 1949, Chi bộ xã Tam Mai (gồm Hoàng Mai, Tương Mai, Mai Động) được thành lập; Chi ủy gồm 3 đồng chí, trong đó có Phạm Duy Hà.
Tháng 4-1951, do có chỉ điểm, địch bắt hơn 20 cán bộ, đảng viên và quần chúng trung kiên nòng cốt, trong đó có Phạm Duy Hà. Mặc dù bị tra tấn dã man, ông cùng các đồng đội vẫn kiên trung, giữ vững khí tiết. Đặc biệt, ông đã nghĩ ra cách dùng dao tự cứa vào cổ, gây thương tích, buộc địch phải đưa đi nhà thương, để rồi từ đây tìm cơ hội vượt ngục thành công.
Để kỷ niệm những ngày chui lủi khi vượt ngục, ông đặt tên người con gái mới sinh là Phạm Thị Lủi. Do những thành tích, cống hiến, ông Hà đã được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất.Những năm từ sau hòa bình lập lại, khôi phục và phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội đến giai đoạn vừa xây dựng CNXH, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở địa phương, ông Phạm Duy Hà là Chi ủy viên kiêm Xã đội phó, đại biểu HĐND xã, tham gia Ban Quản trị HTX nông nghiệp Tương Mai, trực tiếp làm Đội trưởng Đội cá của HTX.
Ngày 21-12-1972, trong lúc đang canh trực ao cá của HTX, ông Hà cùng người anh họ Phạm Duy Huê và người cháu Phạm Duy Kỳ bị bom Mỹ sát hại. 5 năm trước, ngày 17-11-1967, máy bay Mỹ ném bom xuống đường Trương Định cũng đã giết hại vợ ông.
Vào thời điểm ông Hà tử vong vì bom Mỹ, con gái ông là Phạm Thị Lủi-lúc này đã đổi tên là Phạm Thị Viễn, đang tham gia trực chiến ngoài trận địa. Nén nỗi đau riêng mất cả cha lẫn mẹ vì quân xâm lược Mỹ, chị chít khăn tang tiếp tục chiến đấu và đã bắn rơi chiếc máy bay F-111 “cánh chụp cánh xòe” duy nhất trong Chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, góp phần làm nên truyền thống vẻ vang của làng Tương Mai cổ kính.
Đăng Song