Những lớp học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số thực ra đã là việc làm thường xuyên từ lâu của Bộ đội Biên phòng. Gần đây, những trẻ mồ côi còn được đưa về ở hẳn trong doanh trại bộ đội, với hình thức, nhận làm “con nuôi Biên phòng” để các em “vừa học, vừa làm”.
Tuy nhiên, việc xóa mù cho phạm nhân ở các trại giam nước ta thì mới được áp dụng gân đây, như Phân trại số 2, Trại giam Bình Điền, xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế); Trại giam số 3 Tân Kỳ (Nghệ An)...
Các lớp học trên đều đạt hiệu quả rất cao. Điều đó cũng dễ hiểu, vì phạm tội đến mức, mất quyền công dân, phải đi cải tao, lại được học thì còn gì bằng? Hơn nữa, trong môi trường giam giữ, được quản lý, kỷ luật chặt chẽ nên phạm nhân có ý thức lao động, học tập cao hơn ngoài xã hội.
Gần đây nhất, ngày 22-9-2023, Trại giam Nà Tấu, T.P Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, đã khai giảng lớp xóa mù chữ cho 71 phạm nhân và “mở rộng cửa” cho xã hội biết; lập tức được dư luận ca ngợi, biểu dương và cho rằng đó là những “Lớp học nhân văn”; “Lớp học tình người”; “Xóa mù chữ trong song sắt”...
Rất biểu dương chủ trương của Bộ Công an, nhưng cũng phải thấy rằng, lẽ ra việc xóa mù chữ cho phạm nhân phải là nhiệm vụ coi như bắt buộc và phải làm trước trong các trại giam. Trại giam là trại cải tạo, mà phạm nhân không biết chữ, đồng nghĩa với không được học. Không được học thì đương nhiên không hiểu biết, trong đó có pháp luật. Chả thế mà có câu thành ngữ “Ấu bất học lão hà vi”...
Các nước có nền giáo dục hiện đại đều rất coi trọng nhiệm vụ giáo dục cho phạm nhân. Ở Nhật Bản, một đạo luật về nhà tù (ban hành năm 1910) yêu cầu tất cả phạm nhân chưa thành niên và bất kỳ phạm nhân trưởng thành nào có nhu cầu phải được tiếp cận giáo dục. Theo quy định, hai đến bốn giờ mỗi ngày phải được dành cho giáo dục. Từ năm 1952, giáo dục từ xa qua thư đã được áp dụng ở tất cả nhà tù của Nhật Bản.
Huy Thiêm