Hoá ra chuyện gần đây các cửa hàng bán xăng nhỏ giọt, thậm chí đóng cửa không bán vẫn hình như - hay là “tại bên bán”!

Chả thế mà Bộ trưởng Bộ Công thương lại vừa có Công điện “Về việc giám sát, kiểm tra, làm cam kết xử lý vi phạm những cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, hoặc bán với số lượng hạn chế”!

Nhưng. Không phải các cửa hàng, nhất là các cửa hàng của tư thương đóng cửa, hay bán xăng nhỏ giọt là đối phó; lại càng không phải “đầu cơ găm hàng”, có hàng đâu mà găm?, nguyên nhân chính là do bán xăng không có lãi, thậm chí lỗ. Vì thế mà nhiều cửa hàng phải bán cầm chừng, thậm chí xin đóng cửa.

Nguyên nhân thì cũng dễ lý giải. Đúng như mấy hôm trước Bộ trưởng Bộ Công thương nói do đứt gãy nguồn cung ở một số phân khúc. Tuy nhiên, cách nói bóng bẩy bằng ngôn ngữ chuyên ngành sâu của Bộ trưởng, có thể ai chưa quen phải ngẫm nghĩ thêm. Nhưng tóm lại là do mua xăng dầu từ bên ngoài có khó khăn...

Chuyện gần đây nguồn cung xăng dầu khó khăn không phải là khuyết điểm của ngành nào. Và cũng không chỉ nước ta mua xăng dầu khó, mà nhiều nước khó. Đó là còn chưa nói, mua bán xăng dầu ở nước ta còn liên quan đến rất nhiều Bộ, ngành, thậm chí cả các địa phương nữa, chứ không riêng Ngành Công thương.  

Mua khó thì đương nhiên chi phí phải cao, trong khi Chính phủ vẫn phải giữ bình ổn giá. Khi đó, lẽ ra các Tư lệnh ngành có liên quan phải lập tức cụm lại để “giải bài toán khó” ấy, như ngày 11-11, Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp điều hành xăng dầu, do Phó thủ tướng Lê Minh Khái và Phó thủ tướng Lê Văn Thành đồng chủ trì đã “gỡ” những vướng mắc, như tăng giá một số loại xăng và tăng cường các biện pháp hỗ trợ nhằm bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường nội địa; rồi tăng công suất tối đa sản xuất xăng dầu trong nước, hỗ trợ giao hàng nhanh cho doanh nghiệp để kịp thời bổ sung nguồn hàng cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đặc biệt tại các khu vực bị thiếu hàng cục bộ…

Các Bộ, các ngành, các địa phương cứ chấp hành nghiêm theo điều hành của Chính phủ, xăng ắt sẽ về đủ các cửa hàng; giá bán chiết xuất đủ thu bù chi có lợi nhuận là hết chuyện xếp hàng mua xăng thôi - Cơ chế thị trường là thế.

Bộ Công thương không phải lo làm cam kết!

Huy Thiêm