Sáng ngày 2-2, đồng loạt các phương tiện thông tin đại chúng trang trọng đưa tin và đăng nguyên văn “Quyết định về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị” của Bộ Chính trị vừa ban hành ngày 2-2-2023.
Đây là một quyết định không chỉ nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình mà còn đề ra những quy định cụ thể, chi tiết hơn để có cơ sở đánh giá tín nhiệm của cán bộ phục vụ công tác quy hoạch, bổ nhiệm, điều chuyển cán bộ (đối tượng từ cấp T.Ư đến cấp có đơn vị trực thuộc).
Ví dụ, tại Điều 11.2; 11.3 quy định, những trường hợp trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn, xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định; những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ; cán bộ có 2/3 phiếu tín nhiệm thấp sẽ bị miễn nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn)…
Tuy nhiên để việc lấy phiếu tín nhiệm “bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, thực chất” lại là việc hoàn toàn không đơn giản và còn phụ thuộc vào ý thức chính trị của cấp ủy, người đứng đầu các cấp trong diện lấy phiếu tín nhiệm.
Chính vì thế mà lâu nay việc lấy phiếu tín nhiệm của Đảng ta theo Quy định số 262-QĐ/TW, ngày 8-10-2014 của Bộ Chính trị, tuy đã được thực hiện chặt chẽ (theo báo cáo) nhưng vẫn có tình trạng “lọt lưới” trong công tác cán bộ - hầu như ở cấp nào cũng có.
Kinh nghiệm rút ra: “Khó nhất là khâu thực hiện”. Chính vì thế Đảng cần có những quy định thật cụ thể, thật ngắn gọn; với tinh thần như lời Bác dạy: “Chủ trương một biện pháp mười” và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ, như thực hiện nguyên tắc đánh dấu thay chữ viết; bỏ phiếu kín ở tất cả các cấp… Đồng thời với kiểm tra, giám sát, quy trách nhiệm trên một cấp.
Phạm Nguyễn