Hợp tác xã Quyết Thắng khai thác cát sỏi đến mức làm xói lở vào đất ruộng vườn, nhà cửa của hàng chục hộ dân xã Phúc Thuận, T.P Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
Kêu cơ sở chưa chuyển, dân đành phải viết thư lên Đài truyền hình Việt Nam cầu cứu PV chương trình A lô - Chào buổi sáng, về tìm hiểu đưa tin sáng ngày 26-11. Nhìn cảnh cả một rẻo đất bị khai thác sâu hoắm, làm lở từng khoảnh ruộng vườn, nhà cửa của dân mới thấy thật nghiêm trọng.
PV phỏng vấn lãnh đạo xã Phúc Thuận và UBND T.P Phổ Yên - ông Đỗ Công Hạnh - Chủ tịch UBND xã, vừa khẳng định những phản ánh của dân là đúng, vừa chỉ ra những sai sót, vi phạm hợp đồng của HTX Quyết Thắng. Ông cũng nói xã đã báo cáo sự việc lên cấp trên.
Đến ông Phó chủ tịch UBND T.P Phổ Yên trả lời. Ông nghiêm sắc mặt nói, đại ý là nếu HTX Quyết Thắng sai thì sẽ “kiên quyết xử lý”. Sao ông Phó chủ tịch UBND T.P Phổ Yên lại dùng từ “kiên quyết xử lý” nhỉ?
Theo Từ điển tiếng Việt giải nghĩa tính từ kiên quyết là: “Tỏ ra hết sức cứng rắn, quyết làm bằng được điều đã định, dù khó khăn trở ngại đến mấy cũng không thay đổi”. Nhằm rõ ý, từ điển còn dẫn ví dụ: “Dù bị tra tấn vẫn kiên quyết không khai”.
Những sai phạm trong khai thác cát sỏi của HTX Quyết Thắng; thiệt hại, lo lắng của dân thì đã “hai năm rõ mười” và cấp giải quyết là T.P Phổ Yên. “Quyết Thắng” cũng chỉ là HTX “bé tí tẹo” của thành phố, mà có “to” thì cũng không thể so sánh được với quyền lợi, tính mạng của dân; thế thì cứ “việc công, phép nước” mà làm chứ có gì mà phải dùng từ “kiên quyết”?
Lẽ ra ông Phó chủ tịch UBND thành phố đại diện cho chính quyền phải có lời xin lỗi dân, rồi lý giải sự chậm trễ trong khắc phục tình trạng trên mới đúng. Đây ông lại nói vừa chung chung vừa “đao to búa lớn” quá, như thế - nếu giải quyết vụ việc đến nơi đến chốn thì còn đỡ, sợ không nghiêm thì không những mang tiếng là “giơ cao đánh khẽ”, còn làm “nhờn luật” nữa!
Nói khó. Chả thế mà thành ngữ có câu “Lời nói đọi máu”!
Huy Thiêm