Trước thềm Đại hội XII của Đảng, các thế lực thù địch và cơ hội chính trị đang triệt để sử dụng internet, các trang mạng xã hội, ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, chống phá Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, trong đó chống phá Dự thảo văn kiện và vấn đề nhân sự của Đại hội XII được chúng xác định là khâu đột phá, là chủ mưu và ưu tiên hàng đầu để chống phá Đảng ta. Vì vậy, bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào, đấu tranh vạch trần bản chất giả dối, phản động của các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng, làm cho Đại hội XII của Đảng thành công là một nhiệm vụ bức thiết, cấp bách, vô cùng quan trọng của cuộc đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”; bảo vệ Đảng và chế độ hiện nay.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, lý luận của quân đội đã có bước phát triển, trưởng thành, đạt được những thành tựu quan trọng, đã góp phần vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn thâm độc, tác hại và sự cần thiết phải bác bỏ, đập tan các quan điểm sai trái, phản động, thù địch; nâng cao cảnh giác cách mạng; định hướng tư tưởng, trình độ nhận thức, củng cố lòng tin cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đề xuất với Đảng những chủ trương, biện pháp đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân; sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Trong thời gian tới, đặc biệt là từ nay đến Đại hội XII của Đảng, cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận ở Việt Nam chắc chắn sẽ diễn ra ngày càng quyết liệt, là mặt trận nóng bỏng nhất. Để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh này, bảo vệ Đại hội XII của Đảng thành công, phải nắm vững yêu cầu và có các giải pháp khả thi, đồng bộ nhằm tạo ra sức đề kháng “miễn dịch” trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá mới của các thế lực thù địch, thành phần cơ hội chính trị; trên cơ sở đó tạo ra sự thống nhất cao về chính trị-tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội đối với sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đặc thù của đấu tranh tư tưởng, lý luận là một cuộc chiến không có “khói súng”, phi vũ trang, song vô cùng gay go, quyết liệt và phức tạp. Để quân đội hoàn thành tốt nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng, lý luận; bảo vệ thành công Đại hội XII của Đảng cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất từ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị đến hệ thống lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong toàn quân. Muốn vậy, cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng và mỗi cán bộ, chiến sĩ về tầm quan trọng, tính chất, nội dung của nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng, lý luận. Bằng nhiều hình thức, biện pháp làm cho toàn quân nhận rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch về tư tưởng, lý luận; không ngừng nâng cao cảnh giác, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu, kiên quyết chống lại mọi quan điểm sai trái, phản động; bảo vệ được Đảng, Nhà nước và chế độ.
Hai là, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong quân đội đối với nhiệm vụ đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận của cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chức năng và ban chỉ đạo chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa các cấp. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của lực lượng nòng cốt và mọi cán bộ, chiến sĩ trong đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận.
Ba là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy đảng, sự quản lý điều hành tập trung, thống nhất của chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy các cấp trong quân đội trên mặt trận đấu tranh tư tưởng, lý luận. Chú trọng việc nâng cao hiệu lực cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội trong tổ chức đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận; gắn xây dựng trận địa tư tưởng với xây dựng đảng bộ, chi bộ thực sự trong sạch vững mạnh; xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện.
Bốn là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu dự báo và nghiên cứu âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Chủ động giải quyết các vấn đề mới nảy sinh, không để bị động, bất ngờ về tư tưởng trong mọi tình huống. Mặt khác, cần chủ động nghiên cứu nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, kịp thời đề xuất với Đảng, Nhà nước đối sách xử lý những tình huống phức tạp, “điểm nóng” trong đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận.
Năm là, lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất việc phối hợp các lực lượng đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các nhà trường, viện nghiên cứu, hệ thống tuyên truyền, báo chí, phát thanh, truyền hình, xuất bản quân đội trong cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Tăng cường phối hợp chặt chẽ các lực lượng trong quân đội với tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị-xã hội từ Trung ương đến cơ sở, tạo thành sức mạnh tổng hợp trên mặt trận đấu tranh tư tưởng, lý luận.
Sáu là, xác định đúng, trúng nội dung và sử dụng có hiệu quả các hình thức, biện pháp đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận phù hợp với đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của quân đội. Trong đó cần tập trung phản bác những luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; những luận điệu phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận mục tiêu, lý tưởng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; đấu tranh không khoan nhượng với những quan điểm sai trái, thù địch trên các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo. Đấu tranh làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội.
Bảy là, tổ chức, xây dựng lực lượng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quân đội đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Trong đó, tập trung xây dựng, bồi dưỡng lực lượng nòng cốt của quân đội; đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu, giảng dạy khoa học xã hội nhân văn; coi trọng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nòng cốt đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Tổ chức, động viên đông đảo cán bộ, chiến sĩ tham gia đấu tranh tư tưởng, lý luận và xây dựng vững chắc trận địa tư tưởng ở từng đơn vị
Tám là, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường cơ sở vật chất cho quân đội đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Trước mắt cũng như lâu dài cần đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, quy chế hoạt động của quân đội trên mặt trận đấu tranh tư tưởng, lý luận; xây dựng và hoàn thiện các cơ chế phối hợp trong quân đội, cơ chế phối hợp giữa quân đội với các lực lượng khác trên mặt trận đấu tranh tư tưởng, lý luận; xây dựng và hoàn thiện các quy chế, quy định đấu tranh tư tưởng, lý luận trong quân đội.
Mục tiêu của mặt trận đấu tranh tư tưởng, lý luận ở nước ta hiện nay cần đạt được trên cả hai mặt chính là “chống” và “xây”. Tư duy mới về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đòi hỏi quân đội không chỉ giỏi tác chiến trên mặt trận đấu tranh vũ trang mà còn phải giỏi tác chiến trên mặt trận chính trị-tư tưởng, đấu tranh chống lại sự phá hoại của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận.
Thiếu tướng, PGS, TS NGUYỄN BÁ DƯƠNG (Viện trưởng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự)
Theo QĐND