Tổng công ty Điện lực miền Trung khẩn trương khôi phục lưới điện sau bão lụt.
Trong những ngày qua, liên tiếp xảy ra nhiều đợt áp thấp nhiệt đới, bão số 5, 6 gây mưa lớn dài ngày gây nhiều thiệt hại về người và của tại khu vực miền Trung, nhất là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam. Vừa khắc phục hậu quả cơn bão trước làm hơn 600 cột điện gãy đổ thì lần này, lưới điện truyền tải do Công ty Truyền tải điện 2 (PTC 2) quản lý cũng bị ảnh hưởng, nhiều vị trí cột bị nước ngập cao đến 1m đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của hệ thống lưới điện… Hiện công nhân ngành điện khu vực đang căng mình xử lý khắc phục sự cố, bảo đảm lưới điện truyền tải vận hành an toàn, liên tục.
Trong những ngày mưa bão này, tại trung tâm T.P Huế, mực nước sông Hương đã lên trên báo động 3, các tuyến đường nội đô bị ngập hoàn toàn, nhiều vị trí cột bị ngập đến 1m. Do lượng mưa quá lớn, nước dâng nhanh làm ngập sân phân phối ngoài trời trạm biến áp (TBA) 220kV Huế khoảng 0,7-0,9m, nguy cơ gây mất an toàn cho các thiết bị của trạm. Trước diễn biến căng thẳng của mưa lũ, Truyền tải điện Thừa Thiên - Huế đã kịp thời cô lập ngăn xuất tuyến đường dây 272; huy động 100% lực lượng của TBA 220kV Huế và lực lượng tăng cường của đội truyền tải điện Huế để xử lý khơi thông các mương thoát nước phía ngoài trạm, tạo dòng chảy đưa nước thoát ra ngoài… Nước rút đến đâu, các công nhân kiểm tra, khôi phục đến đấy, hạn chế tối đa thiệt hại về thiết bị, tài sản, đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng con người, đưa TBA 220kV Huế sớm trở lại vận hành bình thường. Đến 24 giờ ngày 10-10, khôi phục xuất tuyến 272, đưa TBA 220kV Huế trở lại hoạt động bình thường. Được biết, hệ thống lưới truyền tải điện của PTC2 quản lý vận hành chủ yếu đi qua các vùng đồi, núi cao, giao thông khó khăn; khi xảy ra mưa bão thường xảy ra tình trạng đứt dây, tụt lèo, xói lở móng cột, đặc biệt tại các vùng xung yếu như đèo Ngang (Quảng Bình); đèo Mũi Né, Phước Tượng, Phú Gia (Thừa Thiên - Huế); đèo Hải Vân (Quảng Nam - Đà Nẵng), đèo Lò Xo, Măng Đen (Kon Tum)...
Đến hết ngày 11-10, đối với đường dây 500kV Bắc - Nam có 5 vị trí và 17 vị trí đường dây 220kV bị ảnh hưởng; vị trí 1762 (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) bị sạt lở kè ta luy âm có hiện tượng xê dịch mảng lớn các khối đá rọ mái kè (khoảng hơn 5.000m2) và một số điểm bị sạt lở… Ngay sau khi phát hiện, cán bộ, công nhân của PTC2 đã tiến hành các biện pháp khẩn cấp như phát quang, phủ bạt toàn bộ mái kè, đồng thời néo hãm cột vào phía vách núi để ngăn ngừa nguy cơ đổ cột. Đơn vị đã huy động 100% lực lượng, ứng trực 24/24 giờ để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Đối với những vị trí cột bị nước ngập sâu được kiểm tra liên tục để đảm bảo an toàn vận hành, dù việc tiếp cận hết sức khó khăn. Những vị trí cột ở trên đồi cao, sườn dốc cũng được đơn vị tập trung chống sạt lở. Ngay sau những đợt mưa lớn, các đơn vị thành viên triển khai ngay công tác kiểm tra tuyến, đặc biệt chú trọng những vị trí cột bị nước ngập sâu nhằm phát hiện những nguy cơ có thể xảy ra để có biện pháp xử lý kịp thời.
Nhằm giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra, PTC2 đã triển khai đồng bộ các biện pháp; trong đó chủ động phương châm “4 tại chỗ”; lập các phương án sử dụng cột KEMA để sẵn sàng tham gia xử lý sự cố; chủ động ký kết phương án phối hợp phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với các địa phương, đơn vị có liên quan để phối hợp thực hiện. Nhờ chủ động phòng ngừa, thực hiện tốt sửa chữa duy tu hệ thống lưới điện cũng như diễn tập phòng chống lụt bão nên PTC2 đã giảm thiểu thiệt hại do thiên tai bão lũ gây ra. Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết, đến ngày 12-10 đã cấp điện trở lại cho hơn 334.000 khách hàng, nhưng hiện còn đến gần 580.000 khách hàng trong khu vực đang được khẩn trương khôi phục cấp điện ngay khi nước lũ rút.
Mưa lũ hoành hành nhưng dòng điện vẫn được đảm bảo thông suốt từ Bắc vào Nam. Vất vả là vậy, nhưng ai cũng vui.
Hải Ngọc