CCB Hồ Đắc Vĩnh (thứ nhất, phải sang) - hội viên CCB xã Suối Dây (Tân Châu, Tây Ninh) giới thiệu sản phẩm chế biến từ dế. Các sản phẩm đều đạt hạng sản phẩm 3 sao và được UBND tỉnh Tây Ninh cấp Giấy chứng nhận OCOP.

Sau 5 năm triển khai, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP” đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp, được tất cả các địa phương chủ động triển khai một cách hiệu quả và thành công, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng Nông thôn mới (NTM).

Theo Văn phòng Điều phối NTM T.Ư, đến ngày 31-12-2022, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố triển khai áp dụng bộ tiêu chí để đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; có 8.689 sản phẩm OCOP của 4.479 chủ thể OCOP được đánh giá, phân hạng đạt 3 sao trở lên.

Đặc biệt, thông qua Chương trình OCOP, nhiều địa phương đã chủ động phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn và điểm du lịch như: Sơn La, Lào Cai, Cần Thơ, Ninh Thuận…

Ví dụ, như HTX Phìn Hồ của người Dao đỏ ở xã Thông Nguyên của tỉnh Hà Giang có chè san tuyết là sản phẩm OCOP 5 sao. Trà san tuyết không chỉ những là thương hiệu được đánh giá cao mà đằng sau đó là câu chuyện văn hóa, người tiêu dùng được nghe những câu chuyện về những cây trà san tuyết cổ thụ 200-300 năm, được tận mắt chứng kiến những cây trà trong thực tế.... Văn hóa người Dao qua đó cũng được bảo tồn, phát huy.

Chương trình OCOP tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, theo thời gian, việc xây dựng sản phẩm OCOP cũng đã dần bộc lộ những yếu điểm, một số địa phương xây dựng theo kiểu phong trào, nhiều sản phẩm dù được công nhận nhưng vẫn chưa tới được đến tay người tiêu dùng, hoặc bị tụt hạng do chưa thật sự chất lượng...

Như thương hiệu bí xanh Tìa Dình ở huyện Điện Biên Đông (Điện Biên), sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP, huyện đã khuyến khích, hướng dẫn người dân sản xuất theo hướng hàng hóa, liên kết sản xuất bền vững. Tuy nhiên, khâu sản xuất gặp nhiều khó khăn dẫn đến tình trạng bí xanh Tìa Dình luôn khan hiếm, khách hàng khó có thể mua, ngay cả khi đang trong vụ thu hoạch.

Tại Lào Cai, theo quy định, sau 3 năm được công nhận, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh sẽ tổ chức đánh giá lại có một số sản phẩm, trong đó các sản phẩm gạo Séng cù Lương Sơn (Bảo Yên), dưa lưới, thịt chua Trường Phát (Bảo Thắng) bị tụt hạng sao. Nguyên nhân vì sản phẩm không duy trì được các tiêu chí của chương trình OCOP do giải thể HTX đối với gạo Séng cù Lương Sơn; dừng sản xuất, kinh doanh sản phẩm và không có kế hoạch sản xuất lại đối với dưa lưới, thịt chua Trường Phát…

Là một trong hai sản phẩm của xã Minh Thanh (Sơn Dương, Tuyên Quang) được phân hạng 3 sao OCOP cấp tỉnh, nhưng sản phẩm chè Thanh Trà của Tổ hợp tác chè thôn Cảy vẫn gặp không ít khó khăn trong tìm kiếm đầu ra.

Chương trình OCOP đặt mục tiêu tạo được sinh kế cho người dân ở nhiều vùng, miền, nhất là những nơi vùng sâu, vùng xa, nhưng vẫn bảo tồn, phát huy được văn hóa bản địa, vì vậy nhiều địa phương, chủ thể sở hữu sản phẩm OCOP cho rằng chỉ cần gắn nhãn hiệu OCOP là đã đủ để tạo ra một sản phẩm thành công sẽ làm ảnh hưởng tới hình ảnh, uy tín của chính địa phương đó. Sự “nở rộ” của Chương trình OCOP ở một số địa phương mà không quan tâm tới chất lượng khiến nhiều chủ thể OCOP loay hoay trong khâu tiêu thụ, không phát huy được thế mạnh dư địa, tính đặc hữu của nông nghiệp các vùng miền khác nhau.

Để hạn chế những tồn tại của Bộ tiêu chí OCOP giai đoạn 2018-2020 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24-2-2023 quy định bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, thay thế Quyết định số 1048/QĐ-TTg.

Đặc biệt, về cấu trúc các nội dung đánh giá sản phẩm OCOP, giữ nguyên cấu trúc của bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP với 3 phần. Tuy nhiên, điều chỉnh lại cơ cấu điểm giữa 3 phần thành 40-25-35. Cụ thể, sản phẩm và sức mạnh cộng đồng 40 điểm; khả năng tiếp thị 25 điểm và chất lượng sản phẩm 35 điểm (cơ cấu theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg là 35-25-40)... Trong cơ cấu điểm, vai trò và sức mạnh của cộng đồng được chú trọng, như việc sử dụng nguyên liệu địa phương tăng từ 3 điểm lên 5 điểm; liên kết sản xuất tăng từ 2 điểm lên 3 điểm; sử dụng lao động địa phương tăng từ 1 điểm lên 3 điểm… Tăng điểm số giá trị văn hóa, câu chuyện sản phẩm, bao bì sản phẩm. Cụ thể: Nguồn gốc ý tưởng sản phẩm tăng từ 3 điểm lên 5 điểm; trí tuệ/bản sắc địa phương tăng từ 3 điểm lên 5 điểm; phong cách, ghi nhãn hàng hóa tăng từ 2 điểm lên 3 điểm…

Những thang điểm này chính là sự tích hợp đa giá trị. Khi đã đạt được số điểm theo tiêu chí, thì đằng sau số điểm đó chính là niềm tự hào của chủ thể, là câu chuyện tạo ra giá trị và khách hàng sẵn sàng mua để có được trải nghiệm về văn hóa, trải nghiệm về câu chuyện của chính chủ thể đã làm ra những sản phẩm OCOP.

Hồ Thanh Hương