Bộ đội Tiểu đoàn 7 truy quét quân Pôn Pốt ở Campuchia.
Đầu tháng 4-1979, Tiểu đoàn 7 chúng tôi vừa cơ động từ thị xã Công Pông Sư Pư lên tỉnh Pua Xát (Campuchia); đóng quân tại phum Pua Xát 1 và Pua Xát 2 (cách chỉ huy Trung đoàn ở thị xã Pua Xát khoảng hơn 10km) làm nhiệm vụ truy quét địch, bảo vệ trục quốc lộ 5. Chỉ huy Tiểu đoàn lúc này gồm: Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đôn Tuân (quê Thuận Sơn, Đô Lương, Nghệ An, sau này là Trung tướng, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Cục trưởng cục Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng), Tiểu đoàn phó Phạm Duy Hùng (quê Hương Thủy, Hương Khê, Hà Tĩnh, sau này là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 270), tôi Chính trị viên và Chính trị viên phó Phạm Quốc Phòng (quê Hưng Hà, Thái Bình). Ngày 26-4-1979, Tiểu đoàn 7 được giao nhiệm vụ bí mật luồn sâu đón lỏng phía sau thị trấn Lếch. Nhưng đến chiều 28-4 nhiệm vụ thay đổi, đơn vị được tăng cường 1 đại đội tăng thiết giáp, là lực lượng tiến công trên hướng chủ yếu theo trục đường 56 vào Lếch.
Mờ sáng ngày 29-4, các mũi đã vào chiếm lĩnh vị trí xuất phát xung phong, giai đoạn thực hành hỏa lực chuẩn bị xe tăng, thiết giáp cơ động vào tuyến ngắm bắn trực tiếp, khi pháo binh của ta chuyển làn các mũi nhanh chóng phát triển chiến đấu. Đại đội 1 bám theo hai bên trục đường 56, lợi dụng các ụ đất, bờ ruộng, bờ mương và sự chi viện hỏa lực của trên, nhanh chóng phát triển. Đại đội 2 do Tiểu đoàn phó Phạm Duy Hùng trực tiếp đốc chiến, tiến công mũi bên trái đội hình. Xe tăng và xe M113 phát triển phía sau dùng pháo và súng máy trên xe chế áp các hỏa điểm của địch và chi viện trực tiếp cho các mũi. Sau một lúc lúng túng, địch bắt đầu củng cố đội hình chống trả quyết liệt; khoảng cách giữa ta và địch là một cánh đồng rộng, địa hình trống trải nên chúng lợi dụng chân núi, cây cối, nhà cửa, công sự… sử dụng B40, B41, Cối, ĐKZ, 12,7 ly, đại liên và súng bộ binh bắn như vãi đạn vào đội hình ta, thậm chí dùng cả pháo PK37 ly hạ nòng bắn thấp. Bộ đội ta gặp khó khăn, tốc độ phát triển chậm lại buộc phải lợi dụng ổ mối, gò đất, các con đường ngang nhích dần từng bước. Phía sau xe tăng, thiết giáp chạy dích dắc bắn yểm trợ; khoảng giữa buổi một xe T.54 bị dính pháo, địch đứt xích phải nằm lại.
Càng tiến gần địch, cuộc chiến càng cam go ác liệt; sau gần 3 giờ chiến đấu, đội hình của ta chỉ mới phát triển được khoảng hơn 2km, vẫn còn cách tiền duyên địch khá xa, địch càng chống trả quyết liệt hơn. Lực lượng phía trước nhích dần từng mét, địch bắn rát quá nhiều, anh em không tận dụng được địa hình phải nằm đào công sự đắp các ụ đất phía trước để tránh đạn thẳng của địch. Đội hình buộc phải phát triển chiến đấu theo kiểu cuốn chiếu (đồng chí lên trước tận dụng vật che đỡ chi viện để đồng chí sau tiến lên). Hỏa lực trên tăng thiết giáp tiếp tục bắn mạnh vào các hỏa điểm địch ở bìa rừng, pháo của Sư đoàn và cối 120 cua Trung đoàn bắn dồn dập vào các trận địa hỏa lực và lực lương phía sau của địch.
Trên mũi Đại đội 2, Tiểu đoàn phó Phạm Duy Hùng chỉ thị cho Đại đội trưởng Nguyễn Như Hải (quê T.P Hà Tĩnh) lệnh cho các trung đội lợi dụng địa hình nhanh chóng bám sát bìa rừng, giành giật với địch từng mô đất gốc cây, công sự chiến đấu để đẩy địch lùi dần về phía tây. Khi hướng Đại đội 2 bám được vào chân núi thì tốc độ phát triển nhanh hơn, một số tên địch bỏ công sự chạy lùi về phía sau.
Khoảng hơn 11 giờ trưa, khi đội hình chiến đấu phía trước chỉ cách địch trong tầm bắn súng bộ binh, nghe pháo phòng không 37 ly bắn mấy loạt dài và tiếng gầm rú của xe, tôi nói với Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đôn Tuân: “Hình như chúng đang kéo pháo bỏ chạy anh ạ!”. Đồng ý với phán đoán của tôi, anh Tuân trực tiếp cầm bộ đàm lệnh cho chỉ huy các đơn vị: “Địch đã vỡ trận đang bỏ chạy, cho cho bộ đội nhanh chóng đánh chiếm mục tiêu”. Sau khi ta đồng loạt nổ súng, các mũi, các hướng nhanh chóng phát triển. Còn địch, sau vài loạt súng bắn trả lẹt đẹt, không còn kháng cự nữa. Hai mũi tiến công gặp nhau ở chân núi nơi trục đường 56; lúc này tăng thiết giáp cũng vừa cơ động lên. Sau khi phát triển thêm khoảng hơn 1km thì tạm dừng, củng cố lực lượng để tấn công tiếp. 11 giờ 15 phút, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ theo đúng quyết tâm tác chiến đã xác định. Chỉ huy tiểu đoàn nhanh chóng đôn đốc các đơn vị khẩn trương nắm kết quả và tổng hợp nhanh báo về Sở chỉ huy Trung đoàn. Đồng chí Lê Tiến Hạt (lúc đó anh Hạt đã có quyết định làm Phó Tham mưu trưởng Sư đoàn nhưng trận này vẫn trực tiếp chỉ huy Trung đoàn, phấn khởi biểu dương và lệnh cho Tiểu đoàn BB7 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tiếp theo, phát triển chiến đấu đánh chiếm thị trấn Lếch.
Bộ đội ta tranh thủ ăn lương khô, uống nước rồi lại vội vã hành quân chiến đấu theo đội hình “hai trước, một sau”; lực lượng xe tăng, thiết giáp đi sau cùng. Tuy vừa trải qua nhiều giờ đánh địch ác liệt nhưng ai cũng vui vì đã giành thắng lợi bước đầu, không có thương vong. Đường 56 tới Lếch theo bản đồ còn gần 10km, chạy giữa thung lũng, hai bên là rừng, phía dưới gần đường là những rẫy sắn, ngô, lúa xen lẫn chuối và cây ăn quả… Các phân đội cơ động khẩn trương nhưng hết sức thận trọng, cũng may không gặp sự kháng cự nào của địch kể cả mìn, trên trục đường vẫn còn hằn lốp bánh xe địch vừa chạy qua.
Cuối chiều, lực lượng đi đầu báo cáo đã phát hiện những ngôi nhà của dân, xác định tọa độ chính là thị trấn Lếch. Mệnh lệnh chuẩn bị đánh địch được chuyển xuống các đơn vị. Sau khi quan sát và cho trinh sát bí mật tiếp cận mục tiêu, chúng tôi nhận định địch đã bỏ chạy khỏi thị trấn. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đôn Tuân giao nhiệm vụ cho các đơn vị tổ chức các mũi truy quét lùng sục trong khu vực và mở rộng ra xung quanh, nhưng không phát hiện tên địch nào. Vào khu bệnh viện chỉ có khoảng vài chục người dân, chủ yếu là người già và trẻ nhỏ ốm yếu. Các phum xung quanh cũng chỉ là ông già, phụ nữ và trẻ em; nhìn họ thật thương, người xanh xao, quần áo đen đúa bẩn thỉu, mắt trũng sâu trắng bệch, vẻ mặt lo lắng và sợ hãi. Trên cương vị Chính trị viên Tiểu đoàn, tôi cho một số đồng chí trong đơn vị biết tiếng Miên tranh thủ giải thích cho họ yên tâm, họ bảo lính Pôn Pốt và ông lớn chạy hết rồi. Cuối buổi chiều, đơn vị tranh thủ hội ý, xác định vị trí đứng chân cho các bộ phận, triển khai phương án chiến đấu tại chỗ, tổ chức các chốt canh gác đề phòng địch quay lại tập kích, tổng hợp toàn bộ tình hình báo cáo về Sở chỉ huy Trung đoàn.
Hơn 43 năm đã đi qua, có thể tôi không nhớ được đầy đủ chi tiết, không kể hết được những tình huống gay cấn và những tấm gương dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ, trong đó có nhiều người đã ngã xuống trên đất bạn, không có mặt trong đội hình của Sư đoàn khi trở về Tổ quốc. Nhưng trận đánh ấy đúng là một kỳ tích trong những năm tháng chiến đấu trên đất nước Chùa tháp, thật đáng tự hào trân trọng.
Đại tá Trần Hậu Tám kể, Mai Thanh Hải ghi.