Giá điện tăng sẽ tác động tới doanh nghiệp, đời sống sinh hoạt của người dân.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 11-10-2024 có Quyết định số 1046/QĐ-EVN về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, giá bán điện bình quân tăng từ 2.006,79 đồng lên 2.103,11 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT). Giá điện được điều chỉnh tăng dù ít hay nhiều sẽ tác động ngay tới doanh nghiệp cũng như đời sống sinh hoạt của người dân, nhất là các hộ có lượng tiêu thụ điện lớn, chủ nhà cho thuê trọ, và khổ nhất là những người đi thuê nhà…
Dù EVN cho rằng, việc tăng giá điện thêm 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành sẽ không gây áp lực đến lạm phát năm nay. Tuy nhiên theo khảo sát của PV, giá điện được điều chỉnh tăng dù ít hay nhiều đã tác động ngay tới đời sống sinh hoạt của người dân, nhất là các hộ có lượng tiêu thụ điện lớn, chủ nhà cho thuê trọ và khổ nhất là những người đi thuê nhà. Ngày 23-10, có mặt tại khu vực tập trung nhiều trường đại học tại quận Cầu Giấy, T.P Hà Nội, PV. ghi nhận nhiều ý kiến đến từ sinh viên thuê nhà trọ khi mà cho dù chưa đến thời điểm chốt giá điện tháng 10, nhưng nhiều chủ nhà trọ đã thông báo sẽ tăng giá điện lên mức 20-30% so với tháng trước.
Nhiều sinh viên cho biết: Rất bất ngờ khi chủ nhà trọ sẽ tăng giá điện ngay trong tháng 10 từ 4.000 đồng lên 5.000 đồng/số (kWh), với lời giải thích là do nhà nước tăng giá. Không chỉ giới sinh viên lo lắng mà nhiều người lao động thuê nhà trọ cũng cùng chung tâm trạng. Một công nhân cho biết, đã thuê một phòng trong căn hộ mini từ cuối năm 2023; khi đó hợp đồng được ký giá điện 4.000 đồng/kWh. Đó đã là mức giá cao. Tuy nhiên, mới đây chủ nhà đã ra thông báo giá mới là 5.000 đồng/ kWh, có nghĩa là tăng tới 25% so với mức cũ.
Về phía EVN, đối với người tiêu dùng, EVN khẳng định: Lần tăng giá điện này chỉ ảnh hưởng “vừa phải” tới nhóm khách hàng phổ biến. Theo đó, 17,41 triệu hộ sử dụng điện từ 200 KWh/tháng trở xuống (tương đương 61,35% tổng số hộ) chỉ phải chi trả tiền điện tăng thêm trung bình 13.800 đồng/hộ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không đơn giản như vậy khi mà giá điện tăng kéo theo giá của nhiều mặt hàng khác, khi mà người sản xuất cũng như các doanh nghiệp chịu nhiều tác động.
Cùng với điều chỉnh giá điện sinh hoạt, mức giá bán lẻ điện mới áp dụng cho các ngành sản xuất cũng có sự điều chỉnh. Với cấp điện áp 22 kV đến dưới 110 kV, giá từ 1.749-3.242 đồng/kWh, tuỳ khung giờ. Cấp điện áp 6 kV - dưới 22 kV, giá bán từ 1.812-3.348 đồng/kWh, tuỳ khung giờ. Với khối hành chính sự nghiệp, giá bán lẻ điện mới là từ 2.040-2.124 đồng/kWh tuỳ khung giờ, cấp điện áp. Giá bán lẻ cho lĩnh vực kinh doanh có sự chênh lệch giữa giờ cao điểm, thấp điểm và cấp điện áp, tương ứng là 1.525 đồng và 4.795 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT).
Phản ứng với quyết định tăng giá điện lần này, ông Dương Như Đức - Giám đốc Công ty CP Phân lân Ninh Bình cho biết: Giá điện tăng sẽ tác động lớn tới DN, ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí sản xuất và khi tăng chi phí sẽ gây khó khăn cho DN. “Để tính được mức giá điện tăng tác động tới sản xuất, cũng phải hết kỳ tính giá điện DN mới có thể tính toán được chính xác mức tăng. Để tiết kiệm năng lượng, DN đang thực hiện quản lý chi phí tiêu hao năng lượng, cùng với đó là các giải pháp tiết kiệm điện năng” - ông Đức cho biết.
Ông Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách - VEPR lại cho rằng: Khi giá điện tăng sẽ kéo theo áp lực về lạm phát. Ông Việt cũng nhấn mạnh tới việc cần triển khai những giải pháp tổng thể để chia sẻ gánh nặng với doanh nghiệp, người dân (sử dụng điện). Đồng thời cần phải có sự công khai minh bạch hóa hơn thị trường điện (nhất là thị trường bán điện đầu cuối). Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cốt lõi là EVN phải minh bạch, công khai chi phí sản xuất điện và cách tính giá bán điện. Có như vậy, người dân sẽ hiểu và đồng ý mức điều chỉnh giá điện. Câu hỏi đặt ra là: Vậy cơ chế nào để ngành điện thoát tình trạng thua lỗ rồi dồn gánh nặng lên giá điện và người tiêu dùng? Cũng cần nhắc lại, ba lần tăng giá điện (lần lượt 3% và 4,5% vào tháng 5 và tháng 11-2023 cùng lần tăng mới nhất với mức 4,8%), đã đẩy giá điện từ 1.920,3 đồng lên 2.103,11 đồng/KWh.
Như vậy, giá điện trong hơn một năm đã tăng ba lần giữa bối cảnh nền kinh tế còn chưa hết di chứng nặng nề của đại dịch Covid-19, trong khi lại phải đối mặt với thách thức đến từ suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp chưa phục hồi đơn hàng hoặc có phục hồi nhưng chi phí sản xuất cao; nhất là với những lĩnh vực sản xuất chịu tác động tiêu cực bởi tăng giá điện do nhu cầu sử dụng điện rất cao như sắt, thép, xi-măng... Doanh nghiệp sẽ chật vật hơn nhiều và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn sẽ ra sao? Và cũng không thể quên rằng họ là đối tượng phải chịu gánh nặng của giá điện tăng, từ đó tác động tới hàng hóa, dịch vụ khác.
Còn theo TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, đến nay, dù vẫn trong tầm kiểm soát, song áp lực của lạm phát vẫn gia tăng, không chỉ từ việc tăng giá điện mà còn có thể từ việc điều chỉnh một số mặt hàng dịch vụ vào cuối năm. Nếu lạm phát tăng quá cao thì ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng của người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp. Vì vậy, chỉ số này cần được ưu tiên tập trung theo dõi và điều chỉnh nhằm bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Võ Hóa