(Bài dự thi “Hào khí Trường Sơn”)
Trên suốt chặng đường đánh Mỹ, chiến sĩ Trường Sơn nào cũng thuộc nhiều bài thơ, bài hát về người lính lái xe. Trong một cuộc hội ngộ gần đây của các cựu lái xe Trường Sơn tại T.P Vinh (Nghệ An), có một CCB đọc bài thơ “Giàn mướp” với chất giọng hào sảng, thiết tha như một nghệ sĩ. Sau đó, tôi được biết ông là Nguyễn Khắc Liên - tác giả của chính bài thơ “Giàn mướp”. (ảnh)
Được hỏi xuất xứ bài thơ, ông kể: Mùa khô năm 1971, ông đang là lính thợ sửa chữa của Xưởng tiểu tu Binh trạm 33, Sư đoàn 473, Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Xưởng của ông đóng tại Kon Tum. Vào mùa vận chuyển, cánh thợ được lệnh đi cùng các đoàn xe, để khắc phục kịp thời sự cố hỏng hóc dọc đường. Ngồi trong buồng lái của đoàn xe đi chiến dịch, có giàn mướp làm ngụy trang; dù xe vượt trọng điểm giữa ban ngày, máy bay địch cũng khó phát hiện. Khâm phục người sáng tạo ra giàn mướp để ngụy trang xe, ông đã xúc cảm làm bài thơ “Giàn mướp”.
“Chẳng biết từ đâu có tên “Giàn mướp”
Từ buổi ra đời chẳng thấy mướp leo
Chỉ thấy trong gió lá ngụy trang reo
Thấp thoáng đằng xa trăng treo chênh chếch
Chắn đạn, đỡ bom điên cuồng của địch
Hứng bụi, đỡ mưa đi chiến dịch nối mùa…”.
Nói về “Giàn mướp” để ngụy trang xe, nhưng Nguyễn Khắc Liên muốn khắc họa, nói lên tâm thế dũng cảm, tự tin, trí thông minh của chiến sĩ lái xe Trường Sơn trong cuộc đối đầu với kẻ thù:
“Đẹp biết bao chiếc xe Trường Sơn
Mất kính, rách tai, thùng cháy, bong sơn
Vẫn nặng căm hờn những chuyến hàng đánh Mỹ
Vẫn chạy đêm đêm trên tuyến đường Thiên Lý
Luôn giữ bên mình hoa Dũng sĩ Trường Sơn…”.
Có “Giàn mướp” ngụy trang phía trước, xe của ta cứ thế nối đuôi nhau vượt đạn bom, ra mặt trận. Các chiến sĩ lái xe chẳng ngại hy sinh, vẫn lạc quan yêu đời, sáng ngời lòng dũng cảm, vững tay lái, vượt đạn bom, đưa người, vũ khí… ra phía trước.
“… Có giàn mướp xe lại đẹp hơn Buồng lái ta ngồi
Cảm ơn người sinh ra giàn mướp
Suốt dãy Trường Sơn xe đi về nườm nượp
Trong gió núi rừng, ta nhận được những tiếng ca
Rất lạc quan từ giàn mướp bay ra”.
Bài thơ ra đời vào thời điểm quyết liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, rất nhiều người lính thuộc bài thơ này. Về sau, nhạc sĩ Huy Loan thuộc Đội tuyên văn của Sư đoàn 470 đã phổ nhạc bài thơ thành ca khúc “Bài ca giàn mướp” và Đài tiếng nói Việt Nam cũng đã giới thiệu bài thơ cũng như ca khúc “Giàn mướp” trên làn sóng của Đài. Cũng từ đó bài thơ và ca khúc có độ lan tỏa rộng hơn. Nhiều đoàn văn công, đội tuyên văn của các đơn vị đã sử dụng “Giàn mướp” trong các chương trình biễu diễn của mình.
Sau ngày chiến tranh kết thúc, nước nhà thống nhất, tháng 5-1978, Nguyễn Khắc Liên ra quân, chuyển ngành về làm công nhân Nhà máy Bia Nghệ An; ông tiếp tục theo học đại học rồi làm Chủ tịch Công đoàn nhà máy. Trong thời kỳ đổi mới, ông đã cùng tập thể lãnh đạo Nhà máy đoàn kết, động viên cán bộ, công nhân nhà máy lao động sáng tạo, trở thành lá cờ đầu của tỉnh. Bản thân ông hai lần được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng “Lao động sáng tạo”…
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng với Nguyễn Khắc Liên, những năm tháng ở Trường Sơn vẫn là miền ký ức rất đỗi tự hào. Đặc biệt, ông còn giữ được cuốn sổ tay ghi chép hàng trăm bài thơ viết ở Trường Sơn, với tiêu đề “Đường Trường Sơn một thời để nhớ”; mặc dù, màu mực chép những bài thơ đó đã phai nhạt bởi bao lớp bụi thời gian…!
Nguyễn Xuân Bách (Nghệ An)