Cờ Mỹ và Triều Tiên được treo trên nhiều tuyến phố Thủ đô Hà Nội.

Hà Nội trở thành tâm điểm chú ý của thế giới trong suốt mấy tuần qua bởi cuộc họp thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ - Donald Trump và Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên - Kim Jong-un sẽ diễn ra tại Thủ đô của Việt Nam trong tuần này. Quyết định tiếp tục gặp nhau để thương thảo giữa hai bên là một dấu hiệu rõ rệt cho thấy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên có thể đạt được trong tầm tay nếu hai bên thực sự thiện chí và nhượng bộ lẫn nhau.

Trong cuộc họp thượng đỉnh ở Singapore tháng 6-2018, hai bên đưa ra tuyên bố chung gồm 4 điểm hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và hòa bình, thịnh vượng. Tuyên bố này, dù sau đó bị chỉ trích là chung chung và không có lộ trình cụ thể, là một dấu mốc lịch sử trong quan hệ Mỹ - Triều Tiên. Nói vậy bởi chỉ sau 8 tháng từ khi tuyên bố được ký kết tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, quan hệ Mỹ - Triều chuyển sang đối thoại thay vì đối đầu và dĩ nhiên các bên không có tuyên bố hay động thái nào làm ảnh hưởng tới tiến trình vãn hồi hòa bình. Cụ thể hơn, quan hệ giữa hai miền Triều Tiên được cải thiện rõ rệt. Hai bên nối lại việc tổ chức cho các gia đình bị ly tán bởi chiến tranh;  gặp mặt, tiếp tục xúc tiến lập lại tuyến đường bộ và đường sắt nối hai miền... Đặc biệt, Triều Tiên đã “chìa cành ô-liu hòa bình” khi đã chủ động có những bước đi trước nhằm phá hủy một số cơ sở sản xuất, thử nghiệm tên lửa và hạt nhân.

Đó là nhìn vào mặt tích cực. Nếu đánh giá một cách tiêu cực thì tình hình trên bán đảo Triều Tiên chưa được cải thiện bởi Mỹ vẫn tiếp tục duy trì lệnh cấm vận với Triều Tiên và yêu cầu Triều Tiên thực hiện thêm các bước đi hướng tới phi hạt nhân hóa. Do vậy, chắc chắn trong cuộc họp Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội lần này Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép buộc Triều Tiên phải đưa ra lộ trình cụ thể hơn để hiện thực hóa tiến trình phi hạt nhân và coi đây là ưu tiên hàng đầu. “Củ cà rốt” để Mỹ gây sức ép là việc nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế và có thể có thêm một số cam kết khác.

Thế nhưng, đàm phán là cuộc nói chuyện giữa hai bên và để đạt được kết quả tốt thì hai bên cần phải nhượng bộ, dù ít, dù nhiều. Với Triều Tiên, kinh tế là một điều kiện cần để phát triển đất nước nhưng không phải là ưu tiên số 1, vì về kỹ thuật, hai miền Triều Tiên vẫn ở trong tình trạng chiến tranh, lính Mỹ vẫn đồn trú ở Hàn Quốc và Nhật Bản nên bảo vệ độc lập, chủ quyền là vấn đề cấp bách. Vậy nên, Triều Tiên không thể mạnh tay hủy bỏ các chương trình tên lửa hay hạt nhân nếu cảm thấy an ninh bị đe dọa.

Cuộc gặp tại Hà Nội lần này tuy không thể ngay lập tức giải quyết tất cả các mối quan ngại giữa Mỹ và Triều Tiên nhưng chắc chắn sẽ đem lại nhiều kết quả tích cực một khi hai bên kiên trì đối thoại. Triều Tiên có thể sẽ không đáp ứng hết các yêu cầu của Mỹ nhưng sẽ có những bước đi cụ thể hơn để phi hạt nhân hóa và Mỹ cũng sẽ phải nới lỏng phần nào lệnh cấm vận kinh tế với Triều Tiên cho dù trước khi đàm phán diễn ra Ngoại trưởng Mỹ vẫn khẳng định sẽ không có nhượng bộ.

Hà Nội là thành phố vì hòa bình. Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, từng nhiều năm bị cô lập, cấm vận và cũng đã trở thành một ví dụ điển hình trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh để hợp tác cùng phát triển vì hòa bình, thịnh vượng. Chọn Hà Nội để tổ chức cuộc họp thượng đỉnh lần thứ hai là cơ hội lớn để Mỹ và Triều Tiên tiến xa hơn nữa trong việc thực thi cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Hòa bình đã trong tầm tay nhưng sẽ chỉ sớm có hòa bình một khi các bên có nhượng bộ và thiện chí.

Ngọc Hưng