Ông Phan Văn Bảy (đứng hàng sau, thứ hai từ phải sang) cùng đồng đội từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Có lẽ CCB Phan Văn Bảy là hội viên đặc biệt, từng là chiến sĩ Đại đoàn 308 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ hiện ở huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Được Thượng tá Lê Xuân Hải - Chủ tịch Hội CCB huyện Bù Đăng giới thiệu, tôi đến gặp ông tại thôn 2, xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng. Khi tôi đến, ông chống gậy bước ra mà không phải ai dìu đỡ. Ông Bảy mặc chiếc áo bộ đội, đầu đội mũ kết bộ đội. Anh Dũng – con trai ông tâm sự, hằng năm cứ vào dịp này, ông đều ăn mặc vậy. Hầu như âm vang chiến dịch Điện Biên Phủ không bao giờ tắt trong tâm thức ông.
Ông Phan Văn Bảy nhập ngũ năm 1949, đúng vào năm Đại đoàn 308 được thành lập. Ông là chiến sĩ trẻ tuổi nhất ra đi từ xã Nghi Thủy, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An thời đó khi mới vừa 17 tuổi. Gia đình ông vào Bình Phước từ năm 1990, ông sinh hoạt Đảng và tham gia sinh hoạt tại Chi hội CCB thôn 1, xã Nghĩa Trung từ đó đến nay. Ông đã vinh dự được nhận Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng và tự hào vì luôn giữ vững bản chất, truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, tích cực tham gia hoạt động Hội để trở thành CCB gương mẫu.
CCB Phan Văn Bảy vẫn còn nhớ mình tham gia đánh cứ điểm Him Lam, Bản Kéo như thế nào. Ông còn nhớ Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai để đồng đội xung phong. Chỉ vào tấm ảnh trắng đen chụp cách đây hơn 50 năm, ông nói: “Ông đứng đây, hàng thứ ba, là người thứ hai nơi đánh dấu x đỏ. Lúc đó ta chiến thắng Điện Biên rồi, Đại đoàn quân Tiên phong (308) về tiếp quản Hà Nội, ông cùng 11 đồng chí này trong trung đội, được chọn vào đội ngũ duyệt binh chào mừng chiến thắng”.
Tấm ảnh ông cất giữ cả nửa thế kỷ qua như là báu vật kỷ niệm trong kháng chiến chống Pháp. Ký ức hào hùng còn hừng hực trong người cựu binh cách mạng. Trong chiến thắng, những người lính đi qua Điện Biên, nằm lại ngày ấy trên cứ điểm Him Lam, Bản Kéo, Đồi A1, Mường Thanh… đã tạc thành Tượng đài bất tử. Ký ức hào hùng của người lính Điện Biên là những tháng ngày vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh. Ông Bảy nhớ lại ngày đi bộ đội thiếu thốn mọi bề, đến nỗi, cái bát ăn cơm cũng mang theo từ nhà. Rồi chuyện cả đơn vị kéo pháo vào trận địa sẵn sàng đợi lệnh nhả đạn vào căn cứ địch, nhưng lại nhận lệnh kéo pháo trở ra, tiếp tục đào hầm hào công sự chắc chắn... Máy bay trinh sát, vũ trang địch quần đảo ngày đêm, “gió rét, đồi trơn, chân bấm đá”, người chỉ vắt cơm nguội lót dạ… Vậy mà anh em đồng đội ai ai cũng khí thế, động viên nhau vượt lên tất cả.
Ông Bảy kể: “Sau khi đã chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt, ngày giờ nổ súng tấn công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã được xác định là 17 giờ ngày 13-3-1954. Chúng tôi được giao nhiệm vụ đào giao thông hào từ đồi Độc Lập đến tây Mường Thanh và kiềm chế pháo binh địch tại đây... Trong khi ta nhanh chóng chiếm được các cứ điểm phía đông khác, tại A1 cuộc chiến giành giật cao điểm này diễn ra ác liệt, thương vong của cả hai bên khá lớn. Trong suốt chiến dịch, Đại đoàn 308 vẫn tiếp tục xây dựng trận địa tiến công và bao vây. Phối hợp với các đơn vị bạn chia cắt các cứ điểm địch, hỗ trợ chiến đấu đưa vòng vây của ta ngày càng tiến sâu vào khu trung tâm như một sợi dây thòng lọng xiết chặt chúng...”.
Tấm Huân chương Kháng chiến hạng Nhất được tặng, CCB Phan Văn Bảy cất giữ rất cẩn thận hàng chục năm qua. Với ông, đó là niềm tự hào, vinh quang của những tháng tham gia chiến đấu giải phóng dân tộc...
Duy Hiến