Đông đảo du khách, phật tử đến dự lễ khai hội chùa Hương (T.P Hà Nội) năm Quý Mão 2023.
Đi lễ đền, chùa đầu năm là một trong những nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt. Những ngày đầu xuân Quý Mão 2023, các điểm du lịch tâm linh, di tích, danh thắng trên khắp cả nước thu hút một lượng lớn du khách thập phương hành hương về du xuân, tham quan, chiêm bái.
Nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn
Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong dịp Tết Nguyên đán từ ngày 21 đến 26-1, Hà Nội ước đón và phục vụ khoảng 332.000 lượt du khách, trong đó có 32.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Dự báo, trong thời gian tới, số lượng khách du lịch đến Thủ đô còn tăng cao hơn nữa. Các sản phẩm du lịch văn hóa của Hà Nội cũng có sự chuyển dịch, đổi mới rõ nét, nổi bật là việc hình thành nhiều sản phẩm du lịch đêm, trong đó phải kể đến tour đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”…
Ngoài dịch vụ du lịch đêm, các sản phẩm du lịch văn hóa của Thủ đô thu hút du khách trong dịp đầu năm không thể không kể đến những điểm tham quan quen thuộc: Văn Miếu - Quốc Tử Giám cùng hoạt động xin chữ đầu năm; trải nghiệm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; tham quan phố cổ bằng xe điện, tìm hiểu các di tích văn hóa trong phố cổ, như: Đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào), Ngôi nhà di sản (97 Mã Mây), đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc); sản phẩm tour “Thăng Long Tứ Trấn” (đền Bạch Mã, đền Voi Phục, đền Kim Liên, đền Quán Thánh); tham quan chùa Trấn Quốc, đền Trấn Vũ; khám phá Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học…
Tại tỉnh Phú Thọ, thời gian qua, Sở VHTTDL Phú Thọ tập trung đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đặc trưng, khai thác giá trị di sản văn hóa phục vụ du lịch. Đến nay, một số tuyến du lịch đã được đưa vào khai thác, có sức hút đối với du khách như: Đền Quốc tổ Lạc Long Quân - Khu di tích lịch sử Đền Hùng - miếu Lãi Lèn - làng cổ Hùng Lô; Khu di tích lịch sử Đền Hùng - làng cổ Hùng Lô - vườn quốc gia Xuân Sơn - Khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy; Khu di tích lịch sử Đền Hùng - cụm di tích đền Tam Giang - chùa Đại Bi - đền Mẫu Âu Cơ Hạ Hòa…
Các di tích lịch sử văn hóa gắn với các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nằm trong không gian văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đang là điểm nhấn trong các tour du lịch văn hóa tâm linh đặc trưng như: Khu Di tích lịch sử Đền Hùng gắn với giỗ Tổ Hùng Vương lễ hội Đền Hùng; đền Mẫu Âu Cơ - huyện Hạ Hòa với tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ; di tích đền Lăng Sương gắn với lễ hội đền Lăng Sương, huyện Thanh Thủy thấm đẫm huyền thoại về vùng đất nơi đã sinh thành và nuôi dưỡng Đức Thánh Tản Viên, vị thần đứng đầu trong Tứ bất tử của tín ngưỡng dân tộc... Điều đó đã lý giải vì sao Phú Thọ được gắn với thương hiệu du lịch tâm linh, du lịch di sản văn hóa.
Tỉnh Quảng Ninh là một vùng đất có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn với hơn 600 di sản văn hóa vật thể là những đình, chùa, đền, miếu, danh lam thắng cảnh, di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới. Do đó, phát triển du lịch tâm linh đã được tỉnh Quảng Ninh xác định là một loại hình du lịch góp phần quan trọng để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để thu hút du khách về các điểm du lịch tâm linh, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh dành nhiều nguồn lực cũng như đẩy mạnh các nguồn xã hội hóa thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy hiệu quả giá trị văn hóa lịch sử các di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tích cực xây dựng những tuyến, điểm du lịch hợp lý, đầu tư có chiều sâu vào các dịch vụ đi kèm, cải thiện hạ tầng giao thông dẫn vào các khu di tích. Bên cạnh đó, công tác quản lý, tổ chức, thực hiện nếp sống văn minh tại các điểm du lịch, di tích, danh thắng cũng được đặt lên hàng đầu. Từ đó, thu hút du khách, góp phần phục hồi ngành du lịch địa phương.
Đảm bảo an toàn cho du khách
Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Để bảo đảm an toàn cho người dân và du khách vui chơi lễ hội đầu năm, đơn vị thành lập các đoàn kiểm tra, tiến hành rà soát các khu, điểm du lịch và các điểm đến tập trung đông người trên địa bàn thành phố nhằm nắm bắt các hoạt động của các đơn vị kinh doanh du lịch đúng quy định, xử lý các hành vi đeo bám, chèo kéo, ép giá, bắt chẹt khách du lịch. Tại một số điểm du lịch thường xuyên đông khách trên địa bàn các quận, huyện, thị xã như: Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Vì, Sóc Sơn, Sơn Tây... Sở Du lịch yêu cầu phải tăng cường công tác đón tiếp khách du lịch, đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường.
Trước đó, tháng 12-2022, Bộ VHTTDL ban hành Công văn số 5256 về việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch mừng Xuân Quý Mão 2023. Công văn nêu rõ: Địa phương cần thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định, bảo đảm các hoạt động lễ hội, vui Xuân, kỷ niệm ngày truyền thống... thiết thực, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương. Việc tổ chức lễ hội truyền thống phải theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa, phù hợp với thuần phong mỹ tục; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển.
Võ Hóa