
CCB Nguyễn Xuân Lang (hàng ngồi thứ hai bên phải) gặp lại các đồng đội cùng chiến đấu trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Trong quãng đời quân ngũ của mình, tôi được tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại chiến trường miền Nam với bao kỷ niệm. Từ mặt trận Quảng trị đến Sài Gòn 30-4-1975.
Tại chiến trường Quảng Trị, tôi cùng đồng đội tham gia giải phóng Quảng Trị ngày 1-5-1972. Trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (từ 28-6 đến 16-9-1972), đơn vị tôi chiến đấu trên mặt trận Cánh Đông. Tổ Quân y tiền phương làm nhiệm vụ tham gia cấp cứu thương binh trong trận đánh mang tính quyết định. Đêm 26-1-1973, đơn vị tôi cùng các đơn vị bạn chiến đấu giữ vững cảng Cửa Việt và chứng kiến giờ phút lịch sử - Hiệp định Pa ri có hiệu lực từ 7 giờ sáng ngày 27-1-1973...
Quãng thời gian hạnh phúc, ấn tượng nhất với tôi là tham gia cuộc hành quân thần tốc trong Đại thắng mùa xuân và Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn ngày 30-4-1975.
Trong đội hình Sư đoàn 320B thuộc Quân đoàn 1, Trung đoàn BB64 theo đường 1 thẳng tiến qua Hoài Nhơn, Tam Quan, Bình Định được giải phóng. Đồng bào mang dưa hấu, hoa quả ra ven đường chào đón và mời bộ đội quân giải phóng những sản phẩm quê hương. Các má ôm chặt chúng tôi, mừng vui khôn tả: “Mừng quá, thống nhất đất nước đến nơi rồi các con ạ!”.
Rời Bình Định, chúng tôi rẽ đường 19 lên đèo An khê, qua tỉnh Gia Lai, Kon Tum tiến về Đắc Lắc. Xe chở bộ đội và các phương tiện chiến đấu nối đuôi nhau chạy rầm rập trên đường. Lúc này ở Tây Nguyên, địch đã thất thủ hoàn toàn. Chúng tôi hành quân di chuyển tiếp về Phước Long.
Ngày 23-4-1975, khi cùng hành quân về Đồng Xoài trên chiếc xe Jeep thu được của địch, anh Lê Toài - Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn nói với tôi: “Lang ạ, tinh thần chiến đấu của anh em đơn vị hăng hái quá. Ai cũng rất lạc quan, phấn khởi và quyết tâm cao. Mình dự kiến sẽ kết nạp Đảng những anh em đã họcbồi dưỡng nhận thức về Đảng ngay khi kết thúc chiến dịch”. Lúc đó đang là chi ủy viên của Chi bộ Ban Hậu cần, tôi rất phấn khởi và nhất trí ngay và trao đổi với anh về từng trường hợp cụ thể..
Khi còn cách thị trấn Đồng Xoài khoảng 3km thì xuất hiện 2 máy bay A7 của quân địch lao xuống cắt bom vào đội hình hành quân. Tất cả anh em xuống xe nằm ép thân vào các gò đất ven đường. Anh Toài cố băng qua đường sang một gò đất cao, không may bị mảnh bom chém giập nát, gần đứt chân phải. Tôi lao ngay lên băng bó cấp cứu cho anh. Nhưng do bị gãy xương đùi, mất nhiềumáu và choáng nặng nên anh đã hy sinh. Phía sau xe chúng tôi là một chiếc xe chở anh em chiến sĩ C17 Công binh cũng trúng bom na-pan của địch bị bốc cháy. Cả 24 chiến sĩ trên xe đã hy sinh. Trong đó có anh Đỗ Quốc Thiềng, sinh 1952, là người cùng xã Tân Lập, huyện Đan Phượng với tôi. Thật đau lòng khi chứng kiến sự hy sinh của đồng đội khi đoàn quân đang rầm rập tiến quân vào trận chiến cuối cùng.
Sau trận bom, chúng tôi hành quân tiếp về rừng cao su Đồng Xoài thì đã gần 5 giờ chiều. Mắc tăng võng ổn định chỗ ở xong, tôi cùng các thủ trưởng Trung đoàn lên báo cáo tình hình đơn vị với BCH chiến dịch của Quân đoàn. Tình cờ tôi gặp lại Đại tá Hoàng Lạng - năm 1970 anh là Chính trị viên phó, còn tôi là quân y của tiểu đoàn. Hai anh em ôm nhau sung sướng sau 5 năm gặp lại.
Thật không ngờ là dưới tán rừng cao su Đồng Xoài, quân ta đã tập kết đầy đủ kho vũ khí, kho hậu cần, cả xe tăng, xe chiến đấu bộ binh... đầy đủ. Đơn vị dừng chân tại đây vài ngày chỉnh đốn đội hình; học tập thống nhất nguyên tắc, nắm bắt rõ các mũi được phân công đánh vào Sài Gòn
Đêm 29-4, các sân bay của địch đã nằm trong tầm bắn bao vây khống chế của ta. Đơn vị cho phép anh em được đốt bếp nấu nước pha chè, sữa vui chung để 1 giờ sáng 30-4 sẽ đồng loạt nổ súng tiêu diệt giặc tiến về Sài Gòn. 10 đêm hôm đó, đài phát thanh của chế độ Việt Nam cộng hòa im lặng, thi thoảng một vài giọng ọ ẹ trấn an binh lính ngụy. Chúng tôi mỗi người được phát một miếng vải đỏ cài ở tay áo làm ký hiệu nhận biết giữa các đơn vị khi đánh vào thành phố.
Rạng sáng ngày 30-4, toàn mặt trận đồng loạt nổ súng. Chúng tôi tập trung đánh vào thị trấn Chơn Thành theo quốc lộ 13 thẳng tiến về Sài Gòn. Trên đường thấy cảnh quân ngụy cởi bỏ quần áo, dày dép, vũ khí, xe cộ để trà trộn vào dân chúng tháo chạy toán loạn. Được tin Trung đoàn 48 đã đánh chiếm và hoàn toàn làm chủ Bộ Tổng tham mưu ngụy Sài Gòn lúc gần trưa, tất cả cán bộ, chiến sĩ chúng tôi ôm nhau hò reo, lòng tràn ngập niềm vui sướng. Trước cảnh dòng người tràn ngập hai bên đường vẫy cờ hoa đón chào những chiến sĩ giải phóng, tất cả anh em chúng tôi tràn đầy hạnh phúc...
Ở lại Bộ tổng tham mưu quân ngụy đến sáng 1-5-1975, đơn vị tôi rút về Thủ Đức.
Đến nay đã nửa thế kỷ trôi qua nhưng ký ức về những ngày tháng tư lịch sử ấy, đặc biệt là những người đồng đội đã ngã xuống vẫn luôn khắc sâu trong mỗi chúng tôi.
CCB Nguyễn Xuân Lang