Doanh nhân CCB Trịnh Xuân Lâm (thứ hai từ phải sang) trò chuyện cùng người lao động.

Với sự nỗ lực phi thường của doanh nhân CCB Trịnh Xuân Lâm - Ủy viên Thường vụ Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam, Cụm trưởng cụm 4, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân CCB tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch HĐQT Tổng   Công ty Tiên Sơn Thanh Hóa đã chèo lái, đưa con thuyền Tiên Sơn từ buổi đầu vỏn vẹn 10 lao động, đến nay mở rộng quy mô phát triển, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động và tham gia các hoạt động an sinh xã hội có ý nghĩa thiết thực.

Bước vào phòng khách của vị Chủ tịch HĐQT, tôi vô cùng ngưỡng mộ khi thấy rất nhiều Huân chương, Huy chương, Bằng khen, Giấy khen, Cúp… các loại được xếp đặt ngay ngắn, gọn gàng. Điều này chứng tỏ uy tín và sự lớn mạnh của Công ty. Chỉ vào những thành tích đó, ông bảo:

- Nó là động lực giúp tôi cố gắng mỗi ngày đấy!.

Sau khi rời chiến trường, trở về với bản lĩnh và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, người thương binh, CCB Trịnh Xuân Lâm không cam chịu đói, nghèo. Ông thành lập Công ty TNHH Tiên Sơn năm 1995 - tiền thân của Tổng công ty Tiên Sơn ngày nay. Ông Lâm giải thích: Tiên là đầu, Sơn là Bỉm Sơn, tức là Công ty TNHH đầu tiên được thành lập tại thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) lúc bấy giờ, nên ông lấy tên là Tiên Sơn.

Trò chuyện với tôi, ông Lâm kể: Khi mới thành lập, Công ty chuyên mua bán sắt thép phế liệu, nhựa phế thải, mua xi măng thu vét để sản xuất gạch block tiêu thụ trên địa bàn. Bước ngoặt lớn nhất của Công ty là năm 2006, xác định ngành may công nghiệp xuất khẩu là ngành nghề thu hút được nhiều lao động và phù hợp với lao động phổ thông tại nhiều vùng nông thôn của tỉnh. Do đó, Công ty quyết định đầu tư, phát triển ngành may công nghiệp xuất khẩu. Hiện tại, công ty đã xây dựng được 10 nhà máy may xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tạo việc làm cho hơn 11.000 lao động, trong đó 2/3 số lao động là con cháu CCB và gia đình chính sách, hộ nghèo ở nông thôn.

Tôi hỏi: Việc xây dựng được 10 nhà máy và thu hút đến hàng chục nghìn lao động làm việc điều này không hề dễ dàng. Ông có bí quyết gì?

Ông cười hiền, rồi nói:

- Tôi có mỗi bí quyết là luôn xác định người lao động là tài sản vô giá đối với doanh nghiệp. Nghĩa là chúng tôi luôn cải thiện môi trường làm việc và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho họ.

Anh Trịnh Văn Tâm – PGĐ Công ty CP Tiên Sơn Nga Sơn (công ty thành viên thuộc Tổng Công ty Tiên Sơn) là người gắn bó với Công ty gần 20 năm nay và cũng là người thường xuyên gần gũi CCB Trịnh Xuân Lâm, kể với tôi: “Bác Lâm như người thầy của tôi vậy. Bác là lính nên phong cách làm việc của bác cũng đầy “chất lính”. Bác có tầm nhìn xa trông rộng. Mọi việc luôn dứt khoát, rõ ràng, quyết đoán, dám đương đầu với khó khăn thử thách và chịu trách nhiệm với những việc làm đó. Trong đời sống hằng ngày, bác rất giản dị, không cầu kỳ, hoa mỹ và đặc biệt gần gũi với mọi người. Bác ăn cơm ca cùng công nhân. Bác bảo: Phải ăn cùng công nhân, người lao động thì mới biết được người lao động ăn uống thế nào, phản ứng ra sao… để điều chỉnh. Không chỉ thế, bác còn quan tâm đến môi trường làm việc của người lao động. Mùa đông phải đảm bảo ấm, mùa hè thoáng mát; vệ sinh sạch sẽ, thoải mái. Bác thường nhắc nhở chúng tôi, phải quan tâm tới người lao động, đối xử bình đẳng với tất cả mọi người, mối quan hệ cán bộ - nhân viên phải hài hòa. Người cán bộ cần có thái độ đúng mực, không được dùng những lời thiếu văn hóa”...

Còn với chị Đặng Thị Ngọc - công nhân may thì kể về những việc làm quan tâm đến đời sống công nhân rất tỷ mỷ của Chủ tịch HĐQT, như đi từng bàn ăn, hỏi công nhân: “Cơm có ngon không, ăn có no không? Cần điều chỉnh thực đơn bữa ăn hằng ngày cứ mạnh dạn nói với bác…”.  

Chị Ngọc nói: “Bác Lâm còn ngồi cùng bàn, ăn khẩu phần ăn như công nhân. Thỉnh thoảng bác xuống xưởng xem chúng em làm việc, động viên mọi người cố gắng. Em thấy hiếm có người nào như bác ấy. Công ty thì luôn đảm bảo đầy đủ các chế độ, bằng và cao hơn cho người lao động như: BHXH, BHYT, BHTN, tiền lương, tiền thưởng, quyền lợi các ngày nghỉ lễ, Tết, nghỉ phép năm, môi trường làm việc an toàn, sạch đẹp. Lương của em ở đây cao hơn gấp đôi so với mặt bằng chung công nhân khu vực này. Vì thế, em xác định làm việc lâu dài ở Công ty” - chị Ngọc nói.

Doanh nhân CCB Trịnh Xuân Lâm (thứ ba từ phải sang) trao nhà tình nghĩa cho gia đình bà Nguyễn Thị Lành, ở Hà Vinh, Hà Trung, Thanh Hóa.

Bên cạnh việc chú trọng sản xuất kinh doanh hiệu quả, công tác an sinh xã hội được doanh nhân CCB Trịnh Xuân Lâm đặc biệt quan tâm.

Anh Quách Văn Sơn là con của Mẹ VNAH Bùi Thị Long, ở thôn Bái Gạo 2, xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh xúc động kể: “Mẹ tôi được bác Lâm quan tâm như mẹ đẻ. Bận rộn với nhiều công việc, nhưng bác Lâm thường xuyên đến thăm hỏi sức khỏe của mẹ tôi… Mẹ tôi quý trọng bác Lâm lắm”.  

Doanh nhân CCB Trịnh Xuân Lâm (thứ tư từ trái sang) tặng quà cho các đối tượng chính sách.

Được biết, những năm qua, Tổng công ty luôn dành một phần lợi nhuận hằng năm làm công tác xã hội, từ thiện nhân đạo như: Đã xây được 31 Nhà tình nghĩa, phụng dưỡng từ năm 1996 đến cuối đời 3 Mẹ quê ở thị xã Bỉm Sơn, có con là liệt sĩ; 4 Mẹ VNAH tại huyện Như Thanh; nuôi dưỡng 10 cháu mồ côi đến năm 18 tuổi; tặng hàng trăm sổ tiết kiệm cho người nghèo, gia đình chính sách; tặng hàng nghìn suất quà cho các hộ nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán; đóng góp các quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Vì người nghèo”, “Khuyến học”, “Nâng cánh ước mơ”, học bổng sinh viên nghèo học giỏi, giải thưởng học sinh đoạt huy chương trong các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lụt... Riêng năm 2020, Tổng công ty đóp góp công tác xã hội, từ thiện nhân đạo 2,8 tỷ đồng, trong đó tài trợ quỹ “Khuyến học Trịnh Lâm” cho quỹ “Khuyến học” thị xã Bỉm Sơn 1 tỷ đồng; ủng hộ xây công trình văn hóa, tâm linh xã Hoằng Quý, Hoằng Hóa 1 tỷ đồng; ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 hơn 330 triệu đồng; ủng hộ đồng bào vùng lũ miền Trung 176 triệu đồng... Số tiền Tổng công ty đóng góp cho công tác xã hội và làm từ thiện, nhân đạo từ khi thành lập đến nay hơn 19 tỷ đồng.

Điều trăn trở nhất của CCB Trịnh Xuân Lâm là từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất hàng may xuất khẩu. Công ty ông cũng không ngoại lệ. Trong hệ thống quản lý của Tổng công ty đã phải cắt giảm 4.000/11.000 lao động. Nhưng ông Lâm luôn có niềm tin, dịch Covid sẽ được đẩy lùi, khi đó ông sẽ mở rộng quy mô sản xuất và tuyển dụng thêm nhiều lao động vào làm việc.

Với những kết quả đạt được và việc làm nhiều ý nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc doanh nhân CCB Trịnh Xuân Lâm vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, năm 2020.

Vũ Minh