Các đại biểu tại buổi tiếp xúc cử tri.
Sáng 10-7, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội – Đơn vị bầu cử số 8, tiếp xúc với cử tri 15 xã, phường (các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ cũ), sau Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV.
Đoàn có các đại biểu: Trung tướng Khuất Việt Dũng - Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Đại tá Lê Nhật Thành - Ủy viên Chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ, các sở, ngành thành phố; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP. Hà Nội; đại biểu xã Thạch Thất, cử tri 15 xã, phường thuộc Đơn vị bầu cử số 8.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp từ điểm cầu xã Thạch Thất kết hợp trực tuyến tới 14 điểm cầu các xã, phường.
Tại buổi tiếp xúc, Trung tướng Khuất Việt Dũng - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội đã thông tin đến cử tri kết quả Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV. Đây là kỳ họp mang tính lịch sử.
Sau 35 ngày làm việc (đợt 1 từ ngày 5-5 đến ngày 29-5-2025; đợt 2 từ ngày 11-6 đến ngày 27-6-2025) với tinh thần đổi mới, trách nhiệm và quyết tâm cao, Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.
Quốc hội đã xem xét thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thông qua 34 luật và 13 nghị quyết quy phạm pháp luật, cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác; xem xét, quyết định sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031, thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia; xem xét, quyết định công tác tổ chức, nhân sự thuộc thẩm quyền.
Quốc hội đã xem xét, quyết định các nội dung về tài chính, ngân sách nhà nước, chủ trương đầu tư các dự án quan trọng; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cùng một số nội dung quan trọng khác.
Quốc hội đã xem xét thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 34 Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của 34 tỉnh, thành phố. Sau sắp xếp, cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm 6 thành phố trực thuộc trung ương và 28 tỉnh và 3.321 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 2.621 xã, 687 phường và 13 đặc khu.
Quốc hội đã thông qua 14 luật, 2 nghị quyết quy phạm pháp luật để triển khai tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp theo chủ trương của Đảng và quy định mới của Hiến pháp, bảo đảm tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Quốc hội đã thông qua nhiều nội dung quan trọng để tạo đột phá cho sự phát triển của đất nước, trong đó, Nghị quyết số 197/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật và Nghị quyết số 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị - hai trong số “4 trụ cột” quan trọng để đưa đất nước vươn mình.
Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031. Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 là Chủ nhật, ngày 15/3/2026. Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia…
Đại biểu Đại tá Lê Nhật Thành thông báo kết quả trả lời của các cơ quan có thẩm quyền về những kiến nghị của cử tri các xã tại kỳ tiếp xúc trước đó.
Tại Hội nghị, cử tri thể hiện sự đồng tình, nhất trí và tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Gửi gắm ý kiến đến Quốc hội, cử tri Bùi Văn Thảo, xã Phú Cát, TP. Hà Nội trình bày, trên địa bàn xã Phú Mãn trước đây được UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt 4 mỏ khai thác đá từ năm 2005. Đến năm 2018, có 3 mỏ đá đã hết quyền khai thác và đến tháng 4/2025, mỏ đá cuối cùng cũng hết quyền khai thác.
Tuy nhiên, các mỏ đá này chưa hoàn hồi, trả lại mặt bằng đất cho địa phương quản lý. Tổng diện tích khai thác đá của 4 mỏ này trên 100ha, trong đó, có một mỏ đá có diện tích 11,6ha, độ sâu từ 50-70m, rất nguy hiểm cho người dân, nhất là người đi chăn thả gia súc. Cử tri xã Phú Cát mong muốn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội sớm kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm hoàn hồi, trả lại mặt bằng, bàn giao cho địa phương quản lý.
Trân trọng cảm ơn ý kiến của cử tri, đại biểu Quốc hội Khuất Việt Dũng tiếp thu những ý kiến cử tri nêu; đồng thời khẳng định ý kiến của cử tri sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội tổng hợp đầy đủ, gửi đến Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, trả lời cử tri. Đồng chí Khuất Việt Dũng nhấn mạnh, mặc dù sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy, bộn bề công việc để vận hành tổ chức chính quyền 2 cấp, nhưng lãnh đạo các xã mới đã tạo điều kiện sắp xếp cuộc tiếp xúc cử tri, đồng chí mong muốn cử tri tiếp tục theo dõi, đóng góp nhiều ý kiến cho Quốc hội.
Vũ Minh