Anh hùng LLVT Đại tá Đặng Phi Thưởng.
Báo tháng 4 - Ngày 1-3-2022 (nhân kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng tỉnh Phú Yên), tôi cùng Đại tá Lê Văn Nghiên, nguyên Phó Chánh thanh tra Quân khu 5 đến thăm ông - Đại tá Anh hùng LLVT Đặng Phi Thưởng, hiện ở 333 Trường Chinh, phường 7, T.P Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Nhà tôi cách nhà anh Thưởng chưa đầy 500m, nên đi loáng cái là đến.
Ở tuổi "thất thập cổ lai hi" và đang chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo ông vẫn còn nhanh nhẹn, tinh anh. Vui vẻ tiếp chúng tôi trong vô vàn câu chuyện nối dài bên tách cà phê buổi sáng. Chúng tôi được nghe ông kể lại một sự kiện lịch sử mà theo ông đó là một ký ức không thể nào quên trong cuộc đời binh nghiệp đầy oanh liệt lắm hạnh phúc, nhiều thương đau của ông. Đó là tin cả trung đoàn địch xin đầu hàng.
Ông tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị từ tháng 11-1971 đến tháng 3-1973. Ông kể: Ngày đó được trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường ác liệt là một vinh dự lớn, rất lớn của người lính. Chính ông, một người con sinh ra ở miền Nam cũng đã phải mấy lần viết đơn tình nguyện mới được chấp nhận và nhận nhiệm vụ Đại đội phó Đại đội 7, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304.
Trong chiến dịch Trị - Thiên, Sư đoàn 304, được giao nhiệm vụ phối hợp Trung đoàn 28 pháo binh (Bông Lau) dùng hỏa lực tiêu diệt hỏa lực và công sự trận địa của địch, phối hợp với các cánh quân khác và LLVT địa phương tấn công vào căn cứ Tân Lâm 241 (Carroll), Thành Cổ, thị xã... và giải phóng tỉnh Quảng Trị.
Đúng 11 giờ 30 ngày 30-3-1972, chiến dịch bắt đầu; pháo của ta dội hỏa lực vào các mục tiêu của địch ở dọc giới tuyến Thành Cổ và căn cứ Carroll... làm tê liệt hoàn toàn hỏa lực địch. Căn cứ Carroll là một vị trí có tầm chiến lược quan trọng của Mỹ - ngụy do Trung đoàn 56, Sư 3 quân đội Sài Gòn chốt giữ nhằm bảo vệ Quảng Trị. Trước những cơn mưa pháo kích chính xác của pháo binh, vòng vây của bộ binh ta ngày càng siết chặt căn cứ quan trọng này.
Đại đội của ông gồm Đại đội trưởng Hồ Hữu Lạc, Chính trị viên Lê Trọng Dóng, còn ông là Đại đội phó, trong đội hình Tiểu đoàn 5. Ông được giao chỉ huy trung đội tăng cường, trang bị cối 60, đại liên, 10 bộc phá ống 1,2m... Băng qua đường nhựa bố trí đội hình ở phía đông bắc Tân Lâm nhận nhiệm vụ đón lõng địch.
Sau hơn một ngày pháo kích và vây lấn, khoảng 14 giờ 30, khi ông đang chỉ huy bộ đội phá hàng rào, thông cửa mở, đánh sập lô cốt đầu cầu thì nhận được lệnh của Sư đoàn cho bộ đội tạm dừng nổ súng, để đón địch ra đầu hàng. Chấp hành mệnh lệnh, ông chỉ huy đơn vị khẩn trương làm công tác thương binh, tử sĩ, vừa củng cố trận địa, vừa hồi hộp chờ đợi. Hơn nửa giờ sau nhận được thông tin toàn bộ quân địch ở căn cứ Carroll dưới sự chỉ huy của tên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 56 đã kéo cờ trắng đầu hàng.
Ông nói: “Nhận được thông báo địch đầu hàng, tôi không tin ở tai mình, tôi còn hỏi lại Tiểu đoàn trưởng để xác minh. Khi đã chắc chắn đúng là địch đã đầu hàng, tôi nhảy lên sung sướng hét to: Địch đầu hàng rồi, chiến thắng rồi... Chúng ta chiến thắng rồi!... Tôi cùng cán bộ, chiến sĩ ôm nhau nhảy tưng bừng trong sự sung sướng, nước mắt trào ra giàn dụa...”.
Sau này, tôi được biết khi bị ta tấn công, bao vây tại căn cứ Carroll, Trung tá Phạm Văn Đính - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 56 của địch đã lên hệ thống truyền tin để xin được đầu hàng. Tư lệnh Sư đoàn 304 - Hoàng Đan cho phép địch được làm công tác chuẩn bị trong vòng 30 phút để hạ vũ khí và kéo cờ trắng ra hàng. Giao cho Chính ủy Trung đoàn 24 - Đồng Ngọc Vân cùng 2 sĩ quan làm nhiệm vụ tiếp nhận hướng dẫn địch. Theo sự chỉ dẫn của ta, Trung tá Phạm Văn Đính - Trung đoàn trưởng và Trung tá Nguyễn Vĩnh Phong Trung đoàn phó Trung đoàn 56 dẫn gần 600 quân kéo cờ trắng ra đầu hàng, rời căn cứ Carroll. Nguồn báo chí phương Tây đã kịp lưu lại bức ảnh của Chính ủy Đồng Ngọc Vân đang nói chuyện với Trung tá Phạm Văn Đính và quân lính Trung đoàn 56 của địch ra đầu hàng.
Ông khẳng định: Cuộc đời người lính không có gì hạnh phúc hơn là giành chiến thắng; càng hạnh phúc, sung sướng khi giành chiến thắng trọn vẹn, vì địch đầu hàng và ta bớt tổn thất, hi sinh. Chính vì lẽ đó thời khắc chiều ngày 2-4-1972, nhận tin Trung đoàn 56 địch đầu hàng là ký ức mãi mãi không quên của tôi và những đồng đội tham gia chiến đấu “mùa hè đỏ lửa” ở Quảng Trị.
Nguyễn Bá Thuyết