Mùa xuân năm 1969, chúng tôi lên đường vào Nam chiến đấu. 3 tháng ròng rã hành quân, đơn vị mới tới mặt trận miền Đông Nam Bộ. Tại đây, chúng tôi được bổ sung vào Trung đoàn 209, Sư đoàn 7. Suốt từ đó cho đến ngày rời quân ngũ, tôi đã trải qua trên 160 trận đánh địch và bị thương 6 lần. Có những trận đã để lại những kỷ niệm sâu sắc để mỗi năm, cứ đến dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi lại bồi hồi sống trong nhưng giây phút khó quên.
Sau những trận đánh địch từ Lộc Ninh qua Sài Gòn sang Bình Long cho tới Campuchia, Đại đội chúng tôi được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND và tôi được giao nhiệm vụ làm Chính trị viên đại đội tiến đánh các vị trí Măng Cải, đường 22, đường 7, Đầm Be, Bình Long rồi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đầu tháng 3-1975, chúng tôi đánh địch ở Đồng Xoài, ngày 15-3 đánh địch trên đường 20 và ngày 19-4 tham gia đánh Xuân Lộc. Sau đó, Đại đội được tăng cường cho Sư đoàn 6, Quân khu 7 mở đường cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Làm nhiệm vụ đánh địch, mở đường, chúng tôi chiến đấu nhiều trận suốt từ Trảng Bom qua Sông Mây đến ga Hố Nai. Quá trình đó, đơn vị gặp một cứ điểm địch thuộc Sư đoàn 18 ngụy ngoan cố điên cuồng chống cự nhưng cuối cùng chúng đã thất bại.
Sau khi đã làm chủ chiến trường, trong mùi khói đạn còn khét lẹt, doanh trại địch đổ sập nghiêng ngả, tôi lệnh cho Phó trung đội trưởng Đặng Hữu Định lên nóc sở chỉ huy địch cắm cờ chiến thắng. Ở chiến trường, việc giành thời cơ cắm cờ chiến thắng trên nóc dinh lũy địch tính bằng giây phút, nhưng khốn nỗi do tốc độ hành quân “thần tốc”, bộ phận mang cờ của ta chưa tới kịp. Đang khó xử trí tình huống này thì từ trong một văn phòng địch còn khá nguyên vẹn,Tiểu đội trưởng Phan Thanh Thể reo to: “Đã có cờ Quân giải phóng!”.Tôi lao vào, Thể đã kéo nắp một ngăn bàn, trong ngăn bàn ấy xuất hiện lá cờ Giải phóng được gấp gọn, phía trên có đặt một miếng bìa màu vàng ghi dòng chữ “Đây là chiến tích Quân đội Cộng hòa thu được của Việt cộng”. Thì ra trước đó, trong một trận đi càn, địch đã lượm được 1 lá cờ của quân ta cắm mốc ranh giới, chúng đem về sở chỉ huy cất giữ, coi đó như một “chiến lợi phẩm”. Theo lệnh, rất nhanh Phó trung đội trưởng Đặng Hữu Định dùng một đoạn tre dài trên 1m luồn cờ rồi giương lê khẩu súng tiểu liên Mỹ, buộc thân lê chặt vào cán cờ, leo lên tháp nước, vị trí cao nhất của sở chỉ huy Sư đoàn 18 ngụy, đạp cờ địch xuống, cắm cờ Giải phóng - cờ chiến thắng của ta lên.
Lá cờ Giải phóng phấp phới tung bay trên nóc sở chỉ huy địch cũng là lúc đại đội chúng tôi cùng các binh đoàn tiến vào nội đô, giải phóng Sài Gòn.
CCB Phạm Ngọc La kể - Đinh Quang Huy ghi