Đó là câu trả lời của Thái sư Trần Thủ Độ với vua Trần Thái Tông vào thời khắc gay cấn nhất của cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên (1-1258) khi mà các quan đại thần đang quây quần bên nhà vua bàn mưu tính kế đánh giặc. Câu trả lời đanh thép của vị Thái sư đã làm cho vua Trần Thái Tông và triều đình xua bớt đi nỗi hoang mang và lo âu trước sức mạnh "như chẻ tre" của đạo quân xâm lược đến từ phương Bắc, truyền cảm hứng cho triều đình vững tâm tin tưởng vào ý chí và sức mạnh của quân dân Đại Việt lúc bầy giờ.

Là một trong những trụ cột của vương triều Trần, ở vào thời điểm vận nước lâm nguy, hơn ai hết, Trần Thủ Độ nắm rất rõ nội tình đất nước, hiểu đươc nỗi lo âu của nhà vua và quần thần, thấu hiểu lòng dân và chí quân lúc đó. Tất cả đều đang hướng vế triều đình với tâm trạng lo âu và chờ đợi. Trong bối cảnh đó, khi được nhà vua hỏi về phương lược đánh phòng, Trần Thủ Độ không một chút do dự đã trả lời ngay: "Đầu tôi chưa rơi xuống đất xin bệ hạ đừng lo". Câu trả lời của Thái sư Trần Thủ Độ như một lời tuyên bố đanh thép, một sự biểu hiện quyết tâm, sự đoàn kết thống nhất cao độ từ trong vương triều cho đến cả nước trước họa ngoại xâm. Nó như một liều thuốc trấn an tinh thần, một nguồn động viên khích lệ quân và dân cả nước đứng lên quyết chiến và quyết thắng quân xâm lược.

Bấy giờ. trước thế mạnh như "chẻ tre" của giặc Mông Cổ, quan quân nhà Trần đã phải rút khỏi Thăng Long lui về Thiên Mạc để bảo toàn lực lượng. Trong bối cảnh đó, không ít vị quan trong triều hoang mang dao động; thậm chỉ có vị quan khi được vua hỏi về kế sách đánh giặc đã run lẩy bẩy, đáp không nên lời mà chỉ lấy tay chấm nước viết nghuệch ngoạc lên mạn thuyền hai chữ "nhập Tống" (có ý khuyên nhà vua nên tìm cách cầu cứu nước Tống). Câu trả lời đanh thép của Thái sư Trần Thủ Độ được đưa ra đúng lúc đã làm cho nhà vua vững tin hơn; đồng thời làm thay đổi hẳn tinh thần và thái độ của quan quân Đại Việt lúc bấy giờ.

Như được truyền lửa từ câu trả lời đanh thép của Thái sư Trần Thủ Độ trước nhà vua, chỉ một thời gian ngắn sau ngày rút khỏi kinh thành, quân đội nhà Trần bắt đầu tổ chức phản công. Bằng trận Đông Bộ Đầu (1-1258) - một trận quyết chiến, chiến lược, quân dân Đại Việt đã đánh tan đạo quân Mông hùng mạnh do tướng Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy. Thắng lợi năm 1258 của quân và dân Đại Việt là thắng lợi của vương triều Trần, của cả nước chung sức đánh giặc. Nó được bắt nguồn từ tư tưởng "dám đánh, quyết đánh và quyết thắng" của Triều đình và sự thống nhất ý chí của quân và dân Đại Việt mà Trần Thủ Độ chính là người đầu tiên đề xướng và tổ chức, động viên thực hiện tư tưởng đó.

Hai lần kháng chiến chống quân Mông – Nguyên (1285, 1288) sau đó, tư tưởng "quyết chiến, quyết thắng" của Thái sư Trần Thủ Độ đã được kế thừa và phát triển lên một tầm cao mới, trở thành tư tưởng chủ đạo của các cuộc kháng chiến; là nguồn khích lệ lớn lao quân và dân cả nước kháng chiến thắng lợi. Gần 30 năm sau, lịch sử đã lặp lại: Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ hai (1285), cũng đúng vào thời khắc đất nước lâm nguy, triều đình hoang mang, phân rẽ trong việc tìm phương kế đánh giặc, khi được vua Trần Nhân Tông hỏi "Thế giặc như thế, nên hòa hay nên đánh", Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn đã khảng khái trả lời:" Bệ hạ muốn hàng, trước hết hãy chém đầu thần đi đã". Đó là sự tiếp nối xứng đáng tư tưởng "quyết đánh và quyết thắng", truyền thống đánh giặc cứu nước vẻ vang của quân và dân nhà Trần hồi Thế kỷ XIII.

Trần Thủ Độ là một nhà lãnh đạo mẫu mực, một tấm gương tận trung với vương triều, tận tụy với công việc trị nước an dân. Là một vị quan tể tướng đứng đầu triều nhưng không vì thế mà ông lạm dụng chức quyền, lộng hành, kéo bè, kéo cánh. Sử cũ chép rằng lúc bấy giờ trong triều có kẻ xúc xiểm, ghen ghét Trần Thủ Độ liền tâu với vua Trần Thái Tông:"Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ thì quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao". Nghe vậy, nhà vua đem theo cả người đó lập tức lên xe ngự đến dinh Thủ Độ. Đến nơi vua Thái Tông đã nói hết cho Thủ Độ biết toàn bộ câu chuyện. Nghe xong, Trần Thủ Độ bình thản trả lời: "Đúng như những lời hắn nói"; đồng thời lấy ngay tiền và vải lụa ban thưởng cho người đó. Sử cũ còn cho biết, vốn rất quý trọng Trần Thủ Độ nên có lần vua Trần Thái Tông đã ngỏ ý bổ dụng An Quốc (Trần Quốc Khang) là anh ruột của Trần Thủ Độ làm Tể tướng. Biết chuyện, Trần Thủ Độ đã thẳng thắn can vua và tâu rằng "An Quốc là anh thần, nếu là người giỏi hơn thần thì thần xin trí sĩ; nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử An Quốc. Nếu anh em đều làm Tể tướng cả thì việc triều đình sẽ ra làm sao"[1]. Đúng là một con người thẳng thắn, hết lòng vì việc nước.

Trần Thủ Độ không chỉ là người có công dựng nước, mà còn có tài trị nước. Ông là tấm gương sáng cho sự liêm chính, là người hết sức đề cao tư tưởng "pháp trị". Sử cũ kể lại có lần Linh từ Quốc mẫu được kiệu rước đi qua chỗ thềm cấm,liền bị lính cấm quân ngăn lại. Khi trở về đến dinh, Linh mẫu òa khóc và nói với Trần Thủ Độ: "Mụ này làm vợ ông mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế". Nghe xong, Trần Thủ Độ lệnh cho người triệu viên lính kia tới. Trên đường đi người quân hiệu ấy nghĩ rằng mình sẽ bị trừng trị nặng. Ngờ đâu tới nơi, sau khi nghe người lính quân hiệu tường trình cụ thể, Trần Thủ Độ ôn tồn nói: "Người ở chức thấp mà giữ được luật pháp ta còn trách gì nữa”; đồng thời sai người lấy lụa ban thưởng cho anh lính quân hiệu kia.

Là một vị tướng mưu lược, mạnh mẽ, quyết đoán, vì sự nghiệp của một vương triều, vì lợi ích của cả dân tộc mà Trần Thủ Độ đã có những hành động táo bạo, dám chịu trách nhiệm trước những hành động đó. Dẫu rằng hành động "phế triều Lý, lập triều Trần" từng làm cho người đời dị nghị vả phê phán ông trong vai trò chủ mưu. Nhưng việc mạnh dạn phế truất một triều đại đã suy đồi để kiến lập một triều đại mới tiến bộ hơn cùng với việc hạ quyết tâm và xác định phương lược đánh giặc cứu nước một cách đúng đắn đã tạo nên bước ngoặt quyết định trong lịch sử dân tộc. Chỉ chừng đó thôi cũng đã đủ đưa Trần Thủ Độ vào hàng những nhân vật kiệt xuất trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước thời Trần.

Trần Việt Anh

         .


[1] Đại Việt sử ký toàn thư. T.2. Nxb KHXH.H. 1993. Tr.32