Khánh thành Bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 10 Ngô Quyền.

Rất nhiều công trình tưởng niệm những người đã hy sinh vì độc lập tự do của đất nước, trong đó có Nhà bia ở Mỹ Thành (xã Hòa Thắng, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) do đồng đội tự nguyện xây nhà bia, mộ tập thể dành tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 11, Trung đoàn Ngô Quyền đã hy sinh trong trận đánh tại thôn Mỹ Thành vào tháng 4-1968.

Tháng 3-1968, Tiểu đoàn 11 có nhiệm vụ vận động tiêu diệt địch nống lấn dành dân, dành đất ở khu vực Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Sáng ngày 5-4-1968, Tiểu đoàn phòng ngự tại thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng. Địch đánh hơi biết chủ lực của ta đang ở làng Mỹ Thành. Chúng điều động Trung đoàn 47 ngụy, Trung đoàn 28, Sư đoàn Bạch Mã (Nam Triều Tiên), Lữ đoàn dù 173 Mỹ đến bao vây. Tiểu đoàn 11 tổ chức mở đường máu 2 lần ra hai hướng nhưng bất thành. Khoảng 2 giờ sáng ngày 7-4, Phạm Trung Mạo chỉ huy 10 chiến sĩ đang ẩn nấp ở chùa Tây Long quyết tâm tìm đường máu thoát vòng vây. May mắn ông Mạo và 4 anh em chạy thoát ra bờ sông trong khi rất nhiều đồng đội đã ngã xuống, nằm lại nơi đây.

Từ ngày về hưu, ông Mạo luôn hướng lòng về những đồng đội hy sinh, nhiều đêm ông mơ thấy họ tang thương, quấn băng trắng xóa, kêu rên trên trận địa. Ông nuôi ý tưởng xây dựng Nhà bia ở Mỹ Thành để tưởng niệm những người đồng đội đã cùng chiến đấu và hy sinh. Cuối năm 2017, được anh Nguyễn Đức Phương, quê Bến Tre, con CCB thời chống Mỹ ủng hộ 100 triệu đồng, anh Châu Thanh, CCB Tiểu đoàn 11, quê Quỳnh Lưu, Nghệ An, góp 30 triệu đồng. Ông Mạo ra Phú Yên liên hệ với địa phương xin xây nhà bia. Được sự đồng tình của các bên liên quan, mọi thủ tục nhanh chóng hoàn thành. Ngày 3-8-2018 công trình khởi công, gần một tháng thi công, nhà bia đã hoàn thành. Trong không khí phấn khởi, linh thiêng của buổi Lễ khánh thành, ông Huỳnh Tấn Việt - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên phát biểu: "Tôi rất xúc động khi dự khánh thành một công trình tâm linh có ý nghĩa đặc biệt, được xây bằng nghĩa, bằng tình, bằng đồng lương ít ỏi của những người lính CCB. Công trình tuy quy mô không lớn, nhưng ý nghĩa chính trị, ý nghĩa giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu mai sau rất lớn”.

Được biết chi phí để xây dựng cho công trình này là 370 triệu đồng, chưa tính các khoảng chi phí khác, trong đó ông Mạo đóng góp hơn 170 triệu đồng. Với hoàn cảnh của một thương binh, không giàu, thì đó là tấm lòng vàng đáng ghi nhận. Đã có hơn 100 gia đình liệt sĩ gọi điện, tìm đến nhà ông Mạo, hết lòng cảm ơn ông và chính quyền nhân dân địa phương. Nhiều thân nhân liệt sĩ đã khóc nấc, họ xúc động vì từ nay cha, chú, anh em họ có bia mộ rõ ràng.

Nguyễn Bá Thuyết