Hội viên CCB Khu phố 1, phường Bình Chiểu vẽ những bức tranh trên tuyến đường xanh - sạch - đẹp do Chi hội đảm nhiệm.

Quận Thủ Đức là huyện ngoại thành ở phía đông bắc T.P Hồ Chí Minh; trong Chiến dịch Đại thắng mùa Xuân năm 1975, nhân dân đã chứng kiến những đoàn xe tăng của quân ta hùng dũng tiến trên quốc lộ 1 (QL1) đột kích vào Sài Gòn chiếm lĩnh dinh lũy của chế độ cũ, tạo đà giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 22 năm sau giải phóng, ngày 1-4-1997, một phần huyện Thủ Đức chuyển thành quận, các xã còn lại sáp nhập với Quận 9 và Quận 2 để từng bước hình thành khu đô thị sầm uất của Thành phố hôm nay. Quận Thủ Đức hiện có 525.000 người thường trú ở 12 phường và hơn một vạn công nhân, sinh viên lưu trú.

Bí thư Quận ủy Thủ Đức Nguyễn Mạnh Cường cho biết: Từ khi thành lập quận, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nỗ lực phấn đấu vượt mọi khó khăn, thử thách đạt nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực, nổi bật là phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo nên diện mạo đô thị hóa của vùng quê vốn sình lầy, hoang hóa. 22 năm qua quận xây dựng, nâng cấp, đưa vào sử dụng 1.740 công trình hạ tầng kỹ thuật, y tế, giáo dục với tổng vốn đầu tư hơn 26.000 tỷ đồng. Các công trình công cộng được nhân dân đồng tình hưởng ứng, đóng góp 35,5 tỷ đồng, hàng vạn ngày công, hiến 81.500m2 đất, trong đó có 615 tuyến đường và hẻm lớn tráng nhựa hoặc lát bê tông. Bên cạnh hệ thống giao thông nội bộ, Nhà nước và thành phố quan tâm xây dựng, nâng cấp nhiều tuyến đường lớn như QL13, QL1 xa lộ Hà Nội, đại lộ Phạm Văn Đồng và các tuyến đường Võ Văn Ngân, Kha Vạn Cân, tỉnh lộ 43, ga xe lửa Bình Triệu...

Giao thông thuận lợi tạo điều kiện cho quận Thủ Đức nhanh chóng phát triển KTXH. Hiện quận có 150 nhà máy, xí nghiệp quy mô lớn của các công ty quốc doanh, tư nhân, liên doanh với nước ngoài tập trung trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) và hàng nghìn cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Từ năm 1993 thành phố thành lập KCX Linh Trung có diện tích 150ha quy tụ 32 công ty nước ngoài với tổng số vốn đầu tư ban đầu hơn 170 triệu USD. Năm 1996, thành phố hình thành các KCN Linh Trung - Linh Xuân rộng 450ha, Bình Chiểu rộng 200ha chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí, điện máy, điện tử, vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm, nông lâm sản phục vụ trong nước và xuất khẩu. Công nghiệp phát triển tạo việc làm cho hàng vạn công nhân ở địa phương và các miền quê đến lập nghiệp, càng “kích cầu” các hoạt động thương mại - dịch vụ. Quận có nhiều chợ truyền thống như Thủ Đức, Bình Triệu, Linh Xuân, Phước Long, Tân Phú và hàng nghìn siêu thị, cửa hàng mua bán nhỏ đáp ứng tiêu dùng của nhân dân, tạo nên doanh thu bán lẻ tăng trưởng bình quân 12%/năm...

Từ năm 2018 đến nay, kinh tế của quận phát triển đều trên các lĩnh vực, cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó lĩnh vực công nghiệp và xây dựng phát triển, giá trị sản xuất ngành thương mại - dịch vụ tăng so với trước, góp phần tăng trưởng kinh tế chung của toàn quận đạt 8,9%/năm. Quận hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo tiêu chí mới của thành phố sớm trước thời hạn; hiện tỷ lệ hộ nghèo đa chiều dưới 0,1%. Chính sách an sinh xã hội và ưu đãi người có công được bảo đảm với nhiều hoạt động tình nghĩa, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Cuộc sống mới ở quận Thủ Đức có đóng góp đáng kể của gần 3.000 hội viên CCB thể hiện trong mọi mặt công tác, nhất là trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh và phát triển KTXH. Hằng năm có trên 43% tổng số hội viên đảm nhiệm các chức danh của địa phương; riêng nhiệm kỳ 2015-2020 có 102 Bí thư, Phó Bí thư chi bộ, đảng bộ bộ phận kiêm Trưởng khu phố; 45 đại biểu HĐND các cấp, hơn 300 cán bộ các đoàn thể quần chúng... Đây là lực lượng nòng cốt trực tiếp tuyên truyền, vận động CCB và nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và nhiệm vụ của địa phương.

Được đội ngũ cán bộ dẫn dắt, Hội phát động toàn thể hội viên gương mẫu thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động ở địa phương và giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, hoạt động tình nghĩa. Hằng năm, bên cạnh vay nguồn vốn ưu đãi của quốc gia, các hội viên góp tiền xây dựng quỹ nội bộ đạt bình quân hơn 1,2 triệu đồng/người giúp nhau sản xuất kinh doanh không lấy lãi. Từ năm 2013 đến nay, quận Hội cơ bản xóa hết hộ nghèo theo tiêu chí mới của thành phố, năm 2018 chỉ còn 6 hộ cận nghèo đa chiều; đa số gia đình hội viên có mức sống trên trung bình, 1.354 hộ có thu nhập khá và giàu, 49 hộ là chủ doanh nghiệp và trang trại. 5 năm qua Hội vận động các hội viên và các nhà hảo tâm đóng góp hơn 3,5 tỷ đồng hoạt động tình nghĩa, làm 1 nhà “Nghĩa tình đồng đội” và sửa chữa 12 căn nhà cho các hội viên nghèo trị giá 300 triệu đồng.

Kinh tế gia đình phát triển, các hội viên có điều kiện góp công sức, tiền xây dựng quê hương. Từ năm 2012 đến nay, mỗi Chi hội CCB ở 12 phường đều xây dựng một tuyến đường trong khu dân cư đạt tiêu chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn thường xuyên huy động hội viên chăm sóc cây xanh, vệ sinh môi trường, ngăn chặn đổ rác, xóa quảng cáo, vận động nhân dân không lấn chiếm lòng lề đường mua bán hàng hóa làm mất mỹ quan đô thị. Đến nay các Chi hội đảm nhiệm 74 tuyến đường tổng chiều dài hơn 45km, trồng 270 cây xanh, thu gom hàng trăm tấn rác, xóa 12.250 bảng quảng cáo trái phép ven đường. Năm 2018 Hội CCB các phường Trường Thọ, Hiệp Bình Phước, Bình Chiểu đã vận động hội viên và nhân dân góp 1,2 tỷ đồng làm 3 con hẻm. Chi hội Khu phố 1, phường Bình Chiểu góp 65 triệu đồng tổ chức vẽ 34 bức tranh cổ động và tranh minh họa về lịch sử dân tộc cỡ lớn để giáo dục lòng yêu nước cho học sinh và nhân dân, làm đẹp tuyến đường dài hơn 1km.

Những việc làm của Hội CCB quận Thủ Đức đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng cán bộ, nhân dân địa phương, tô đậm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trở về đời thường, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Thành Viên