TikTok liên tục đối mặt với các rắc rối pháp lý ở nhiều nước.
Ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok của Công ty ByteDance có trụ sở ở Bắc Kinh (Trung Quốc) đang đối mặt với các áp lực lớn từ nhiều quốc gia khi ứng dụng có hơn 1 tỷ người dùng này bị phạt nặng về các vi phạm trên nhiều lĩnh vực hoặc bị cấm sử dụng ở công sở hoặc các trường học. Lốc lớn đang xoáy vào TikTok.
TikTok bắt đầu nổi lên trên thị trường toàn cầu từ cuối năm 2018 và dần thay thế Facebook để trở thành mạng xã hội chia sẻ định dạng video ngắn lớn nhất toàn cầu. Nó nhanh chóng được giới trẻ sử dụng và các chính trị gia cũng nhanh chóng nắm bắt để sử dụng ứng dụng này để gia tăng ảnh hưởng của mình. Như mọi mạng xã hội khác, TikTok có mặt tích cực nhưng cũng gây tác động tiêu cực tới nhiều mặt của đời sống xã hội và khiến nhiều quốc gia hoài nghi về sự bảo mật thông tin.
Giới chức Mỹ đi đầu trong trào lưu chống TikTok. Gần đây nhất, ngày 23-3, Giám đốc điều hành (CEO) Shou Zi Chew của TikTok đã phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ sau khi nhân viên các cơ quan Chính phủ Mỹ bị cấm sử dụng ứng dụng này. Cuộc điều trần chẳng những không mang lại cho các nhà lập pháp Mỹ niềm tin về việc TikTok không thu thập và chia sẻ thông tin người dùng với bên thứ ba mà còn làm TikTok mất điểm khi không giải trình được các tác động tiêu cực khác của mạng xã hội này. Các nghị sĩ Mỹ cáo buộc ông Chew né tránh các câu hỏi dựa trên bằng chứng cho thấy TikTok và các thuật toán của nó đã ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của trẻ em.
Như vậy, bên cạnh cáo buộc về thu thập dữ liệu người dùng, sóng gió ập đến TikTok dồn dập hơn ở việc tác động tiêu cực của mạng xã hội này tới sức khỏe và đời sống xã hội ở nhiều quốc gia. Ví dụ gần đây nhất, trong thông báo ngày 4-4, Văn phòng Ủy viên Thông tin Anh (ICO) cho biết TikTok bị phạt 12,7 triệu bảng Anh vì một số vi phạm luật bảo vệ dữ liệu, bao gồm không sử dụng dữ liệu cá nhân của trẻ em hợp pháp. Theo cơ quan này, TikTok cho phép 1,4 triệu trẻ em dưới 13 tuổi sử dụng ứng dụng trong năm 2020 bất chấp quy định yêu cầu người dùng trên 13 tuổi mới được mở tài khoản. Vi phạm diễn ra từ tháng 5-2018 đến 7-2020. Ủy viên Thông tin John Edwards cho rằng, số tiền phạt phản ánh tác động nghiêm trọng có thể xảy ra từ những hành vi của TikTok. “Họ đã không làm đủ để kiểm tra ai đang dùng nền tảng hay có hành động hiệu quả để trẻ em dưới tuổi không sử dụng nền tảng” - John Edwards chia sẻ. Dữ liệu trẻ em có thể bị lợi dụng để theo dõi và lập hồ sơ, dẫn trẻ em đến nội dung độc hại, không phù hợp.
Từ việc Chính phủ ở Mỹ và các quốc gia châu Âu rồi đến Australia cấm nhân viên sử dụng TikTok, đã xuất hiện các làn sóng chối bỏ TikTok từ các cơ sở giáo dục. Các trường đại học tại Cộng hòa Séc đang kêu gọi đội ngũ giảng viên, nhân viên và sinh viên gỡ cài đặt TikTok trên các thiết bị dùng để kết nối với mạng của nhà trường. Lời kêu gọi này được đưa ra dựa trên khuyến cáo của Cơ quan An ninh mạng và Thông tin Quốc gia Cộng hòa Séc (NUKIB) về việc TikTok gây ra những mối đe dọa về an ninh. Đây cũng là biện pháp đang được nhiều trường khác triển khai. Đại học Kinh tế Praha thậm chí còn chặt chẽ hơn khi cấm tất cả quản trị viên và cán bộ cấp cao của nhà trường sử dụng TikTok trên các thiết bị điện tử phục vụ công việc. Đại học Công nghệ Brno cũng cấm nhân viên sử dụng ứng dụng mạng xã hội này trên các thiết bị của nhà trường...
TikTok có trụ sở ở Bắc Kinh nhưng mạng xã hội này lại không hoạt động ở Trung Quốc. Việc làm rõ TikTok có làm mất an ninh quốc gia với các cáo buộc thu thập dữ liệu người dùng hay không thuộc trách nhiệm của từng quốc gia. Với việc TikTok không kiểm soát tốt nội dung mà người dùng đăng tải hay vi phạm quy định về độ tuổi người sử dụng là việc rõ ràng và đang phải chịu phạt bởi nhiều nước là rất lớn. Thế nhưng, như Facebook và các mạng xã hội khác, dù bị phạt nặng nhưng các mạng xã hội này vẫn “ăn nên, làm ra”.
Thanh Huyền