Đầu tháng 1-1971, để đáp ứng yêu cầu chiến đấu cơ động chống địch đổ bộ đường không, Chỉ huy Trung đoàn 591 pháo cao xạ (Bộ Tư lệnh 559) chỉ đạo Tiểu đoàn 34 thành lập gấp Đại đội súng máy cao xạ 14,5 ly hai nòng. Đại đội hợp thành bởi 3 trung đội súng máy cao xạ của 3 Đại đội thuộc Tiểu đoàn 34. Trung đội 1 rút từ Đại đội 1, do Phạn Văn Lụa (con nuôi cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng) làm Trung đội trưởng; Trung đội 2 điều từ Đại đội 2, Tiểu đoàn 34, do đồng chí Huế (quê Nghệ An) làm Trung đội trưởng và Trung đội 3 rút từ Đại đội 3, Tiểu đoàn 34 do đồng chí Nguyễn Văn Bào (quê Hà Bắc) làm Trung Đội trưởng. Đồng chí Nguyễn Văn Phẩm (quê Hải Hưng) làm Chính trị viên và đồng chí Nguyễn Văn Khi được giao làm Đại đội trưởng.

Sau ít ngày làm quen với binh khí kỹ thuật, đơn vị được giao nhiệm vụ triển khai trận địa chiến đấu tại khu vực Bản Đông (phía nam đường 9, phía đông đường 29).

Sáng sớm ngày 18-2-1971, máy bay phản lực thay nhau bổ nhào ném bom xuống cao điểm 255, nơi Đại đội bố trí trận địa, mở đầu cuộc hành quân “Lam Sơn 719” (với ta là chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào). Khói bom còn chưa tan thì hàng chục chiếc trực thăng HU1A, HU1B quần lượn, liên tục bắn đại liên và M79 xuống trận địa, Đại đội trưởng Nguyễn Văn Khi bình tĩnh chỉ huy đơn vị đánh trả quyết liệt, bắn rơi 7 máy bay trực thăng. Qua máy bộ đàm, Đại đội trưởng Nguyễn Văn Khi nhận lệnh từ chỉ huy cụm cho Đại đội chuyển sang cao điểm 462, cách cao điểm 255 chừng 1km về phía nam. Ba trung đội bố trí trận địa thành hình tam giác đều như ở cao điểm 255.

Ngày 11-2-1972, từ sáng sớm, máy bay địch quần đảo đánh phá dữ dội cao điểm 462. Vẫn thủ đoạn quan thuộc, máy bay phản lực bổ nhào ném bom dọn bãi đổ bộ; máy bay trực thăng hạ thấp độ cao tìm mục tiêu, dùng đại liên bắn quét, M79 và cả lực đạn tấn công áp đảo nhằm chế áp hỏa lực ta. Tuy nhiên, Đại đội vẫn chiến đấu kiên cường, đánh trả quyết liệt bắn rơi 12 máy bay; trong đó có 1 chiếc do chiến sĩ thông tin vô tuyến Triệu Khắc Dược dùng súng K44 bắn chính diện trúng phi công, trực thăng rơi tại chỗ. Đại đội súng máy cao xạ có nhiệm vụ đánh quân đổ bộ đường không, Đại đội trưởng nhận định, địch sẽ ném bom dọn bãi ở đỉnh đồi, vì vậy đã bố trí tận địa ở lưng đồi; hỏa khí phân tán nhưng hỏa lực vẫn tập trung; một khi máy bay địch xuất hiện, toàn Đại đội phối hợp nhịp nhàng, đánh máy bay địch quyết liệt, hiệu quả mà vẫn bảo toàn được lực lượng.

Địch đổ quân xuống cao điểm 462. Chúng tôi lại được lệnh chuyển sang cao điểm 595 phí tây đường 29 (gần cao điểm 660). Tại trận địa này, ngày 19-2-1971 đồng chí Hoàng Văn Liên - Đại đội phó (quê Hải Hưng), đồng chí Ngô Sỹ Bình - Khẩu đội trưởng (quê An Bài, Hoa Lư, Tiên Hưng, Thái Bình) và chiến sĩ Phạm Văn Ư (quê An Khê, Quỳnh Phụ, Thái Bình) đã chiến đấu, anh dũng hy sinh. Đại đội tiếp tục chiến đấu đến ngày chiến dịch toàn thắng (23-3-1971).

Kết thúc chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Đại đội giải thể, Trung đội 1 lại về với Đại đội 1, Trung Đội 2 về với Đại đội 2, Trung đội 3 về với Đại đội 3 của Tiểu đoàn 34 cao xạ; chưa kịp rút kinh nghiệm, chúng tôi mỗi người một nơi, tôi về Tiểu đoàn 82, Đại đội trưởng Nguyễn Văn Khi được trên điều động làm Trợ lý tác chiến Trung đoàn 591.

Cùng tham gia chiến dịch có Tiểu đoàn 24 bắn rơi 21 máy bay được tuyên dương Đơn vị Anh hùng LLVTND. Đại đội của chúng tôi bắn rơi 19 máy bay nhưng giải thể ngay sau đó, chưa kịp bình xét, không ai được khen thưởng, kể cả Đại đội trưởng Nguyễn Văn Khi.

Là những chiến sĩ pháo cao xạ, chúng tôi có nhiệm vụ đánh máy bay địch, bảo vệ các trọng điểm hiểm yếu, bảo vệ tuyến đường, bảo vệ các đoàn xe chở hàng vàochiến trường. Năm 1972, địch đánh phá toàn tuyến hành lang ác liệt hơn, bằng các loại vũ khí mới, hiện đại hơn; tinh thần chiến đấu, hiệp đồng chiến đấu của các binh chủng Xe - Công - Pháo trên tuyến lửa Trường Sơn cũng quyết liệt hơn: Xe “Tăng chuyến vượt cung, quay vòng khép kín”, Công binh “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, Pháo cao xạ “Mỗi trận địa một pháo đài”.

Đánh đêm cũng giỏi, đánh ngày cũng hăng, sục sôi khí thế “Quyết chiến, quyết thắng” cuốn hút vào cuộc chiến tranh ác liệt, hào hùng của dân tộc: “Tất cả cho chiến trường”, “Tất cả cho chiến thắng”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tổ quốc trên hết”…, không ai nghĩ đòi hỏi quyền lợi cho riêng mình. Có một thời như thế! Một thế hệ thanh niên như thế!.

Nhớ về Triệu Khắc Dược - chiến sĩ thông tin Đại đội 14,5 ly chiến đấu vô cùng dũng cảm, tôi xúc động viết mấy vần thơ tặng anh:

Một

Một mình một máy bộ đàm

Tiếp thông liên lạc dưới làn bom rơi

Trận địa bom đạn tả tơi

Trên không một lũ giặc trời soi săm.

Trái tim rực lửa hờn căm

Khẩu K44 tay cầm chắc tay

Một viên đạn vút lên mây

Một trực thăng Mỹ tan thây giữa trời

Trên môi nở một nụ cười

Một lòng dũng cảm rạng ngời chiến công.

Hoàng Chuyên