Tháng 5-1950, đang là Chính ủy Trung đoàn 79, Liên khu 5, tôi được lệnh triệu tập về Liên khu ở Bồng Sơn, Bình Định. Anh Nguyễn Duy Trinh - Phó chủ tịch UBKCHC Trung Bộ kiêm Bí thư Liên khu ủy 5 gặp và giao cho tôi nhiệm vụ: Tổ chức một đoàn thuyền sang Trung Quốc nhận viện trợ quốc tế cho Liên khu. Anh Trinh dặn dò: Chuyến đi này 99% cầm chắc cái chết. Hoặc là bị địch bắt, hoặc gặp bão tố. Nếu chúng tôi tránh được hai hiểm họa đó, giành được 1% còn lại là thắng lợi.
Chia tay anh Nguyễn Duy Trinh, tôi về quê Sơn Tịnh, Quảng Ngãi chuẩn bị cho chuyến đi biển hết sức mạo hiểm này. Bước đầu chúng tôi dự định đóng 6 thuyền, mỗi chiếc trọng tải 5 tấn. Biết rằng vượt đại dương vào mùa mưa bão bằng thuyền bé là rất nguy hiểm, nhưng nếu đóng thuyền lớn hơn so với thuyền ngư dân thì địch nghi ngờ, dễ phát hiện.
Thủy thủ đoàn do Phòng Liên lạc đường biển chọn từ các đơn vị, tập trung về Tam Kỳ. Riêng số nhân viên mật mã vô tuyến điện, phiên dịch được tập trung về nhà tôi ở Mỹ Khê, Sơn Tịnh, để học cấp tốc thêm tiếng Trung.
Ngoài nguồn hàng quý gồm hơn một tạ yến sào do Liên khu chuẩn bị, với chút kinh phí ít ỏi, tôi cho mua gom một ít quế tốt để sáng bên kia bán tạo thâm tài chính cho Liên khu và nếu bị địch bắt thì nói là thuyền buôn.
Để đánh lạc hướng chú ý của địch, tôi chọn một điểm ở bãi biển Cổ Lũy quê tôi để nghi binh. Tại đây, ban ngày, tôi cho anh em sắp hàng xuống thuyền, đêm thì chở hàng đi hết sức bí mật, vài hôm sau thuyền chở hàng trở về. Việc làm này để thu hút địch về bãi biển Cổ Lũy mà không để ý đến Cửa Đại, Quảng Nam, là bến xuất phát của chúng tôi.
Công việc chuẩn chu đáo, chúng tôi xin phép lãnh đạo Liên khu được khởi hành. Một đêm tối trời đầu tháng 7 âm lịch, ba thuyền do tôi chỉ huy bí mật rời Cửa Đại, đi vòng ra phía đông Cù Lao Chàm, rồi dừng lại ở đó, theo dõi mọi động thái của địch và hiệp đồng với ba thuyền đi sau.
Theo kế hoạch định trước, ba thuyền còn lại do đồng chí Đoàn phó và một cán bộ quân sự chỉ huy sẽ rời bến khi nhận được tín hiệu của chúng tôi. Nhưng sau này, khi liên lạc được với Liên khu từ Trung Quốc, tôi mới hay rằng khi chúng cho thuyền nhổ neo đi được khoảng một giờ, không chờ tín hiệu, ba thuyền còn lại cũng rời bến, nhưng chỉ ra cách bờ vài trăm mét, ba thuyến đều bị bắt. Toàn bộ thủy thủ bị địch đưa về Đà Nẵng tra khảo, nhưng anh em đều nhất mực khai là đi buôn, nên kẻ địch không biết gì về chúng tôi.
Không liên lạc được với ba thuyền còn lại, nhưng với kế hoạch đã định, chiều hôm sau, ba thuyền chúng tôi giương buồm nhằm hướng đông thẳng tiến. Thuyền ở trên bờ đã bé, nay ra giữa đại dương, nơi trời và biển thăm thẳm một màu, chẳng khác gì ba chiếc lá tre. Đêm đầu và ngày hôm sau biển lặng. Thuyền giữ đúng khoảng cách, tiến ra hải phận quốc tế, rồi theo la bàn vòng lên phía Bắc. Chẳng biết đi được bao xa, nhưng đến đêm hôm sau thì tai họa bất ngờ ập đến. Gió mỗi lúc một to. Sóng biển dềnh lên dữ dội.
Chuẩn bị chống bão! - Tôi thét thật to để hai thuyền cùng đi nghe được. Nhưng trong nháy mắt, hai thuyền kia đã mất hút trong đêm. Trong số thủy thủ trên thuyền, có người hoang mang thật sự. Một anh bảo tôi:
- Thủ trưởng ơi. Có gì cho vào bụng thôi, kẻo chết đi lại mang tiêng là ma đói!
Anh em còn lấy giây, định trói tôi vào mạn thuyền và cho rằng làm như vậy, tôi sẽ không bị sóng quật rơi xuống biển, khi trôi dạt vào nơi nào đó sẽ có người cứu vớt. Quả là giữa đại dương, trong bão tố, con người mới bé nhỏ làm sao; gần như hoàn toàn bất lực. Nhưng tình thế lúc này không cho phép mềm lòng, dù chỉ một giây. Tôi ra lệnh:
- Phải chống chọi đến cùng. Không được buông xuôi. Gắng giữ lửa cho bằng được. Không giữ được thuyền thì dù có thoát chết, lên được bờ, tất cả đều bị kỷ luật.
Lập tức mấy anh em chúng tôi kết thành một khối, gồng mình chống chọi với sóng dữ. Sóng biển như quái vật, lồng lộn hòng nhấn chìm chúng tôi xuống biển đen. Thuyền bị sóng dồi lên cao rồi giật xuống. Mặc! Chúng tôi quyết giằng bám tay chèo để thuyền khỏi lật; cùng lúc thay nhau tát nước trong thuyền ra. Hơn một giờ chúng tôi chống chọi với sóng gió trong vô vọng. Biển vẫn một màu đen đặc. Chúng tôi hoàn toàn mất phương hướng. Có lúc ai nấy đều rã rời chân tay, đói, khát… Tôi bảo anh em lấy củi bó thành từng bó, quấn giẻ rồi nhúng dầu, châm lửa rồi thả xuống biển. Kinh nghiệm là mùa này nước biển thường chảy xuôi về nam. Ngược với chiều trôi của những chiếc “phao đèn”, chúng tôi chèo thuyền theo hướng bắc. Cũng nhờ vậy mà hai thuyền còn lại đã tìm ra hướng bắc và tin là chúng tôi còn sống, để tiếp tục chiến đấu với bão biển.
Duy Tường ghi theo lời kể củaThiếu tướng Võ Bẩm
(Còn nữa)