Báo tháng 8 - Tháng 7-1945, Lãnh tụ Hồ Chí Minh giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp chọn một số học viên đang theo học Khóa 1 Trường Quân chính kháng Nhật đi dự "Lớp huấn luyện đặc biệt" (đào tạo tình báo v à báo vụ viên). Khi nhóm người được chọn từ Khuổi Kịch ra đang tề tựu tại nhà một người dân ở Tân Trào thì đồng chí Võ Nguyên Giáp đi cùng một "ông Cụ" đến thăm.
Ông Cụ vận quần áo chàm, chống gậy, đi đôi dày vải đen kiểu Tàu. Theo lời giới thiệu của đồng chí Võ Nuyên Giáp thì đây là một lão nông người địa phương hết lòng ủng hộ Việt Minh, thấy anh em đến bản tiện đường đi qua ghé vào thăm; đồng thời đề nghị mọi người cứ gọi Cụ là "Cụ Ké" theo tập quán địa phương. Màn thăm hỏi kết thúc, hai vị khách ra về, anh em trong nhóm bắt đầu xì xào bàn tán về nhân vật "Cụ Ké".
Nhiều người không tin "Cụ Ké" là lão nông địa phương bởi Cụ nói tiếng Kinh rất sõi. Đã vậy, lúc chia tay Cụ còn nhờ anh em vẽ cho một tấm bản đồ để "khi nào có dịp ghé chơi". Người thì cho rằng "Cụ Ké" là bạn của Nguyễn Ái Quốc; người khác đoán là họ hàng; có người tỏ vẻ hiểu biết hơn thì khẳng định "Cụ Ké" chính là Nguyễn Ái Quốc...
Cuộc tranh luận kéo dài chưa kết thúc thì hôm sau cả nhóm được lệnh đến chỗ tập trung. Tới nơi thì đã thấy ngoài đồng chí Võ Nguyên Giáp, "ông Cụ lão nông" đi cùng hôm trước cũng có mặt ở đó. Sau khi đồng chí Võ Nguyên Giáp phổ biến nội quy và căn dặn về tinh thần, thái độ học tập, "ông Cụ lão nông" căn dặn thêm mọi người một vấn đề "tế nhị", đó là vấn đề..."đi đại tiện". Ông Cụ nói: "Bà con ở đây người ta sợ phân lắm. Đi đại tiện, các đồng chí phải lấy cuốc đào cái hố nhỏ. Đi xong thì cào đất lấp kín lại. Làm như thế vừa đảm bảo vệ sinh, vừa làm cho đất thêm tốt". Sau này, trong kháng chiến, cánh lính nhà ta cũng bắt chước làm theo cách này và có lẽ cái tên: "Hố mèo" ra đời cũng bắt nguồn từ câu chuyện đó.
Câu chuyện chưa dừng lại. Sau màn dặn dò, "Ông Cụ lão nông" cùng đi với cả nhóm đến địa điểm lớp học. Trên đường đi gặp mấy "ông Tây" bên bờ suối Nà Lừa, nhiều người tròn xoe mắt, ngạc nhiên khi thấy Ông Cụ dừng lại nói chuyện với họ bằng tiếng Anh một cách lưu loát. Lúc này nhiều người đã rỉ tai nhau "Ông Cụ" đích thị không phải là "lão nông địa phương" rồi; nhưng là ai ? thì không ai biết đích xác và có biết cũng không dám nói ra vì nguyên tắc bảo mật. Phải đến hơn một năm sau, tháng 8-1946 trên báo Cứu quốc có đăng bài ký của một cựu học viên Khóa 1 thì câu chuyện về "Ông già làm ruộng ở Tân Trào" mới được công khai "giải mã" một cách hoàn toàn.
Đặng Dung