“Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. (Tố Hữu).
Mỗi khi nhớ lại câu thơ trên, ông lại thấy vinh dự và tự hào mình là người được góp phần làm nên “thiên sử vàng”này.
Ông là CCB Nguyễn Tịnh, ở thôn Dốc Mới, xã Sơn Hà, huyện hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Sinh năm 1930, năm nay 93 tuổi. Tuy đã ở tuổi đại thọ nhưng ông còn cường tráng lắm, đi lại nhanh nhẹn, trí tuệ còn minh mẫn. Đọc báo, nghe đài đối với ông như cơm bữa hằng ngày.
Tôi kém ông hơn một giáp nên chúng tôi là bạn vong niên với nhau, lại đều là CCB nên ông coi tôi như người thân trong gia đình, chuyện trò thân mật, thoải mái, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Lần này đến chơi với ông đúng vào dịp kỷ niệm 69 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, nên phần lớn thời gian tôi được nghe ông kể về những ngày tham gia chiến dịch:
“…Năm 1950, vừa tròn 20 tuổi tôi gia nhập Quân đội, được biên chế vào đại đội pháo mặt đất 45 ly, thuộc Trung đoàn 45, Đại đoàn 351. Địa bàn hoạt động của đơn vị tôi là vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Tôi được tham gia chiến đấu nhiều trận lớn nhỏ, đặc biệt là chiến dịch Hà - Nam - Ninh (1951) và chiến dịch Hòa Bình (1952). Giữa năm 1953, tôi được cử sang Trung Quốc cùng với hơn 100 chiến sĩ học sử dụng, quản lý và nhận viện trợ vũ khí (pháo mặt đất 105 ly). Thời điểm đó, loại vũ khí này vào loại hiện đại nhất của bộ đội ta.
Gần 3 tháng ở Trung Quốc, được các chuyên gia kỹ thuật quân sự bạn kèm cặp, hướng dẫn sử dụng và quản lý “voi” (chiến sĩ pháo binh thường gọi loại pháo to là “voi”), cuối năm 1953, chúng tôi nhận bàn giao và đưa pháo về. Đến biên giới vì đường sá hiểm trở, phải qua nhiều sông, suối và đèo dốc, không thể kéo pháo được nữa nên chúng tôi phải tháo rời từng bộ phận của pháo ra cho từng người, từng tốp vác, khiêng … Đến địa phận tỉnh Phú Thọ thì dừng lại ở một khu đồi cọ để bảo dưỡng và lắp ráp lại đồng bộ cho pháo. Một chương trình “tái huấn luyện” được bắt đầu.
Rời Phú Thọ, hành quân ít ngày nữa là đến tỉnh Lai Châu. Từ đây đến Điện Biên Phủ không còn xa, nhưng lại là đoạn đường khó khăn nhất. Nhiều đèo lắm dốc, có con dốc cao đến 60-65 độ, không những vừa phải kéo pháo, vừa phải cùng với lực lượng TNXP sửa chữa và mở rộng đường cho pháo “đi”. Để hoàn thành đúng thời hạn, chúng tôi làm việc mỗi ngày 12-13 giờ. Gay nhất là vấn đề dụng cụ. Chúng tôi phải chia thành nhiều kíp, thực hiện khẩu hiệu: “Người nghỉ, dụng cụ không nghỉ!”. Thế mà dụng cụ vẫn không đủ, có chỗ phải lấy đá đập đá, lấy vỏ bom cắt đôi làm vồ nện đất.
Muốn phá đá nhanh, phải dùng mìn. Để giữ bí mật (chỉ cách địch vài ki-lô-mét), chúng tôi đặt sâu trong vách đá những lượng thuốc nhỏ, chờ khi nào pháo địch bắn mới cho nổ mìn. Đất phá ra, đổ xuống suối, nhuộm đỏ ngầu cả dòng nước. Để giữ bí mật, phải đắp hàng loạt kè lọc nước những dòng suối chảy về Mường Thanh.
Ban đêm đốt đuốc làm đường, máy bay đến phải tắt đuốc, công việc chậm lại rất lâu. Anh em nghĩ ra “hố giấu đuốc” đào rải rác cạnh nơi làm việc. Có tiếng máy bay thì cho đuốc vào hố đậy nắp lại. Máy bay đi, lấy đuốc ra khua khua vài vòng lửa lại bùng lên. Có những đoạn dùng đuốc không tiện, phải cho người cầm vải trắng đi trước làm hoa tiêu dẫn đường.
Pháo đã được kéo tới đích đúng kế hoạch. Lại ngụy trang, đào hầm cho pháo “ở” và chờ lệnh nhả đạn. Hồi hộp vô cùng.
Vào 17 giờ ngày 13-3-1954, trận mở màn chiến dịch bắt đầu. Pháo chúng tôi đã yểm trợ rất hiệu quả cho bộ binh. Bão lửa rung trời chuyển đất của pháo ta trùm lên cứ điểm mà địch khoác lác nói là “Pháo đài không thể công phá nổi”. Đó là đợt thứ nhất từ ngày 13-3 đến 17-3, quân ta nhanh chóng tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam và toàn bộ phân khu phía Bắc.
Kết thúc đợt thứ nhất, pháo chúng tôi lại được lệnh di chuyển chiếm lĩnh trận địa cho các đợt chiến đấu tiếp theo …
Việc kéo pháo vào trận địa vẫn vô cùng khó khăn, gian khổ. Bài hát “Hò kéo pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân (sáng tác tại trận địa) đã động viên chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi hát với một niềm tin tưởng, phấn khởi: “…Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi/ Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù. Hò dô ta nào…”.
Tháng 1-1971, ông Tịnh nghỉ hưu. Nghỉ việc quân, trở về địa phương nhưng được dân mến, Đảng tin, nên ông lại ra gánh vác việc làng, việc xã hàng chục năm nữa. Nhiều khóa ông là đại biểu HĐND, Đảng ủy viên, Thường trực Đảng ủy, rồi Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hà. Với cương vị Bí thư Đảng ủy, ông đi sâu, đi sát chỉ đạo các phong trào ở địa phương, triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng kịp thời, đưa xã Sơn Hà luôn là một xã trong tốp đứng đầu của huyện Hữu Lũng, nhiều năm được cấp trên khen thưởng.
Giờ CCB Nguyễn Tịnh được nghỉ ngơi và sống vui vẻ, hạnh phúc với gia đình, con cháu. Tôi cảm nhận về ông: Một con người giàu bản lĩnh, luôn phát huy truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, một người đảng viên, CCB mẫu mực đáng để cho lớp con cháu ở địa phương học tập noi theo.
Trương Thọ