Một diễn đàn “đặc quánh” công nghệ, với sự có mặt của các chuyên gia đầu ngành trong nước và thế giới, bàn về công nghệ số ở Việt Nam. Thế mà chuyện con trâu của bác nông dân ở vùng cao biên giới lại được thu hút nhất.

Câu chuyện do chính Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng kể. Số là, ba tuần trước, Đoàn chuyên gia về công nghệ của Bộ, đi Lai Châu khảo sát thực địa, đến một nhà dân nghèo, tài sản trông cả vào 8 con trâu. Nhưng trâu đã lớn đủ bán mà không bán được, vì không có thị trường - do giao thông đi lại khó khăn.

Ông Bộ trưởng. Không! Không chỉ riêng ông Bộ trưởng mà tất cả các chuyên gia trong khán phòng đều khẳng định, nếu tạo ra một sàn thương mại điện tử ở tại khu vực đó thì sẽ có rất nhiều thương lái trong nước, thậm chí là nước khác đến tận nhà mua trâu.

Và nữa - nếu cần thì ngay trong Đoàn, bằng vài nốt nhấn trên điện thoại thông minh cũng giúp người nông dân nọ bán được trâu ngay (các Công ty Bưu chính viễn thông là bên vận chuyển trâu).

Gia đình nọ lo lắng nào hơn, khi 8 con trâu đến kỳ phải bán mà không bán được. Và còn gì sung sướng hơn khi cả 8 con trâu bán được tại nhà với giá thỏa thuận giữa mua và bán?

Nghĩa là, các bác nông dân chân lấm tay bùn; người nghèo; đồng bào dân tộc thiểu số… cũng đều trở thành thành viên của các sàn thương mại điện tử ngay lập tức. Mà sàn thương mại điện tử thì không có gì là bí ẩn cả, chúng ta đều có thể “lắp đặt” được ở tất cả các lĩnh vực.

Vậy chuyển đổi số là gì mà “dễ” và “khó” thế? Chúng ta có thể định nghĩa nôm na: Chuyển đổi số là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang áp dụng công nghệ mới, nhằm cắt giảm chi phí vận hành tiếp cận được nhiều khách hàng nhanh chóng, chính xác...

Câu chuyện khiến mỗi chúng ta có niềm tin mãnh liệt vào một “Việt Nam hùng cường” trong tương lai, nếu chúng ta nhận thức được lợi ích quốc gia của chuyển đổi số.

Khó chính là chuyển đổi được nhận thức. Không nhận thức được không lo bằng nhận thức được, nhưng vẫn không muốn làm, vì “gót chân Asin” sợ “nước trong, khó bắt cá”!

Huy Thiêm