Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tặng quà các đối tượng chính sách, ngư dân có hoàn cảnh khó khăn xã Hoàng Châu, huyện Cát Hải, T.P Hải Phòng.
Qua 5 năm triển khai thực hiện, chương trình Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân đạt được hiệu quả thiết thực và có sức lan tỏa rộng rãi; được cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương ven biển đánh giá cao. Chương trình tăng cường mối quan hệ của quân và dân, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp trong công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV Báo CCB Việt Nam có cuộc trao đổi với Thượng tá Lê Huy - Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:
PV: Chương trình “Cảnh sát biển Việt Nam đồng hành với ngư dân” là chương trình dân vận đặc biệt của lực lượng Cảnh sát biển và được triển khai hiệu quả trong nhiều năm qua, góp phần đáng kể trong việc thay đổi nhận thức của ngư dân đối với vai trò của biển đảo và việc chấp hành pháp luật trên biển. Đồng chí có thể phân tích những điểm nhấn đặc biệt của mô hình này là gì?
Thượng tá Lê Huy: Nói về điểm nhấn của chương trình này có thể nói trên ba vấn đề: Thứ nhất, đây là cơ sở rất quan trọng để phát huy sức mạnh tổng hợp của cấp ủy chính quyền các địa phương ven biển; các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội cùng với lực lượng Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân. Điểm nhấn thứ hai là thông qua các hoạt động tuyên truyền, hoạt động an sinh xã hội, công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn; qua các hoạt động văn hóa, thể thao tạo được niềm tin của nhân dân yên tâm vươn khơi bám biển. Thứ ba làchương trình thể hiện rõ cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, đó là ở đâu gian khó, vất vả, khó khăn thì ở đó có bộ đội, bộ đội phải chủ động tìm đến nhân dân, không để nhân dân khó khăn phải tìm đến bộ đội.
PV: Đề nghị đồng chí cho biết sức lan tỏa của mô hình này trong suốt quá trình thực hiện.
Thượng tá Lê Huy: Trong 5 năm triển khai chương trình đã đạt hiệu quả thiết thực và được cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương, nhất là các địa phương vùng ven biển đánh giá cao. Bởi vậy, sự lan tỏa rất rộng rãi. Qua đó, thấy được mối quan hệ quân và dân, trong đó có lực lượng Cảnh sát biển với bà con ngư dân ngày càng khăng khít hơn; giữa lực lượng Cảnh sát biển với cấp ủy chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng thực thi pháp luật trên biển ngày càng đi vào thực chất.
PV: Đâu là những khó khăn đặt ra trong quá trình triển khai mô hình, thưa đồng chí?
Thượng tá Lê Huy: Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình về thuận lợi là cơ bản, nhưng cũng có không ít những khó khăn. Như tình hình đại dịch Covid-19 rất phức tạp, ảnh hưởng đến tất cả đời sống xã hội, trong đó có ngư dân. Do dịch bệnh, từ tổ chức tuyên truyền tập trung, chúng tôi tổ chức thành tổ - đội - nhóm nhỏ lẻ đi đến các vùng dịch, đi đến từng con tàu, đi đến từng âu cảng để tuyên truyền cho bà con ngư dân. Còn khó khăn tiếp chính là nhận thức của ngư dân không đồng đều, nhất ở các địa phương ven biển, hải đảo. Công tác tuyên truyền phải đổi mới nội dung, hình thức cho phù hợp. Trước tình trạng ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản trái phép, không khai báo và không theo quy định IUU thì chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho bà con ngư dân; đồng thời duy trì thường xuyên các biên đội tàu trên các khu vực biển để kịp thời ngăn chặn. Một khó khăn nữa là thiên tai bão lũ, xâm nhập mặn trong thời gian vừa qua, thì chương trình Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân luôn chú trọng công tác chuẩn bị về lực lượng, phương tiện để sẵn sàng có lệnh, khi có tình huống xảy ra là chúng tôi đáp ứng được ngay.
PV: Để mô hình “Cảnh sát biển Việt Nam đồng hành với ngư dân” tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa, nhất là trong tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của ngư dân đối với việc chấp hành pháp luật trên các vùng biển của nước ta, cần phải tập trung vào những giải pháp trọng tâm gì, thưa đồng chí?
Thượng tá Lê Huy: Về giải pháp trong thời gian tới, trước hết chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh giáo dục cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Cảnh sát biển thấy được vai trò, vị trí, ý nghĩa của chương trình này. Thứ hai là mong muốn tiếp tục ký kết với Ban Thường vụ 28 tỉnh, thành ven biển trên cả nước, phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục triển khai một cách hiệu quả, đồng bộ. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, vận động các ban, ngành, đoàn thể cùng tham gia vào cuộc với chúng tôi, cùng lực lượng Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân, bằng sự hỗ trợ. Với công tác tuyên truyền, chúng tôi rất mong và tăng cường hơn nữa việc phối hợp với các cơ quan báo chí T.Ư và địa phương để tăng cường công tác tuyên truyền về hiệu quả của Chương trình.
PV: Xin cảm ơn đồng chí.
Nguyễn Pháp (thực hiện)