Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc gặp mặt.
Chiều 3-8, tại Phủ Chủ tịch, phát biểu tại cuộc gặp mặt các đại diện tiêu biểu của ngành dệt may Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực khắc phục khó khăn, phòng, chống dịch bệnh và duy trì tăng trưởng, ngành dệt may Việt Nam vẫn có nhiều điển hình tiên tiến, lập nhiều thành tích xuất sắc trong lao động và sản xuất.
Các doanh nghiệp dệt may đã làm tốt nhiệm vụ chăm lo sức khỏe cho người lao động; có kết quả sản xuất, kinh doanh tăng trưởng và bảo đảm được đời sống người lao động.
Chủ tịch nước cho rằng, dệt may là một trong những lĩnh vực sản xuất mũi nhọn để phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19 của đất nước với số lượng người lao động quy mô lớn. Ngành dệt may đã đạt tăng trưởng hơn 15% trong 6 tháng đầu năm. Toàn ngành đã làm tốt mô hình sản xuất 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến. Nhờ đó, Việt Nam là 1 trong hai quốc gia dẫn đầu thế giới về kim ngạch xuất khẩu dệt may.
Chủ tịch nước ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng của ngành dệt may Việt Nam; vừa duy trì tăng trưởng vừa bảo đảm an toàn. Khí thế thi đua trong ngành sôi nổi; sáng tạo trong phòng, chống dịch; lựa chọn những sản phẩm, doanh nghiệp ưu tiên trong sản xuất và hỗ trợ lẫn nhau trong lúc khó khăn. Đặc biệt, Chủ tịch nước hoan nghênh ngành dệt may Việt Nam đã phát triển mạnh lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, góp phần tích cực vào tăng trưởng chung của cả ngành.
Ghi nhận những kiến nghị tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước đề nghị ngành dệt may Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam bám sát thực tiễn, tự chủ sáng tạo, tự lực, tự cường, bảo đảm hoàn thành mục tiêu kép, linh hoạt trong lựa chọn mục tiêu ưu tiên trong từng thời kỳ, giai đoạn phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh. Cần có giải pháp ưu tiên ở từng doanh nghiệp, từng giai đoạn, từng loại sản phẩm. Phát huy mạnh mẽ chuyển đổi số, kinh doanh số, tái cung ứng sản phẩm để có hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao hơn. Toàn ngành cần tiếp tục tuyên truyền bảo đảm người lao động thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó là động viên người lao động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn. Các doanh nghiệp trên các địa bàn khác nhau cần phát huy tối đa năng lực duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ, ngành y tế quan tâm hơn nữa đến ngành dệt may, nhất là hỗ trợ nguồn vaccine ngừa Covid-19 để tiêm cho công nhân, người lao động- những người trực tiếp sản xuất, tạo ra hàng hóa xuất khẩu và cung ứng cho các thị trường trong nước và quốc tế, trong đó có mặt hàng khẩu trang.
Chủ tịch nước gửi lời thăm hỏi, động viên đến gần 3 triệu người lao động của ngành dệt may Việt Nam; đề nghị các cấp, các ngành thực hiện tốt chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ người lao động trong sinh hoạt và đời sống như tiền điện, tiền nước, viễn thông... Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần đẩy mạnh phát động thi đua trong công nhân, người lao động nói chung và ngành dệt may nói riêng để nhân lên nhiều hơn nữa những “bông hoa đẹp” hoàn thành tốt việc thực hiện mục tiêu kép.
Tin, ảnh: TTXVN