Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: TTXVN

Chiều 4-5, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các cơ quan gồm: Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, các cơ quan tư pháp trung ương và Bộ Công an về việc thi hành Luật Đặc xá năm 2018.

Dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình. Cuộc làm việc cũng tập hợp các ý kiến đề xuất chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về công tác đặc xá thời gian tới.

Theo   đánh giá của Bộ Công an và các thành viên dự họp, Luật Đặc xá năm 2018 đã   khắc phục cơ bản những bất cập của Luật Đặc xá năm 2007 nhằm nâng cao hiệu   quả của công tác đặc xá. Luật cũng đã giao Chính phủ quy định chi tiết một số   điều kiện của người được đề nghị đặc xá, hồ sơ đề nghị đặc xá, trình tự, thủ   tục lập danh sách, thẩm định, thẩm tra danh sách, hồ sơ đề nghị đặc xá, trách   nhiệm của UBND các cấp, cơ quan tổ chức có liên quan trong việc tiếp nhận,   giúp đỡ người được đặc xá hòa nhập với gia đình và cộng đồng.    

Sau khi các bộ, ngành nêu ý kiến, phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đặc xá là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta, thể hiện sự nhân đạo của chế độ, có ý nghĩa lớn về mặt chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao. Đặc xá khẳng định chính sách khoan hồng đặc biệt của Đảng, Nhà nước ta đối với những phạm nhân có kết quả học tập, rèn luyện, lao động, phấn đấu cải tạo tốt.

Chủ tịch nước cho biết, các đợt đặc xá vào những dịp đặc biệt, ngày lễ hay sự kiện lớn của đất nước được tổ chức nhằm khuyến khích người chấp hành hình phạt tù phấn đấu cải tạo tốt để đủ điều kiện hưởng chính sách đặc xá. Các đợt đặc xá trước đây đã được thực hiện công khai, minh bạch, hỗ trợ tốt cho những người được đặc xá tái hòa nhập với cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.

Chủ tịch nước đề nghị Bộ Công an và các cơ quan chức năng đề xuất với Đảng, Nhà nước các chủ trương về đặc xá trong thời gian tới, trong đó cần phát huy kinh nghiệm tốt trong các đợt đặc xá trước đây.

Cùng với khẳng định thực thi pháp luật về đặc xá thể hiện định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, Chủ tịch nước cũng chỉ đạo việc triển khai đặc xá phải thực hiện theo quy trình chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật và không để xảy ra tiêu cực.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước chỉ đạo các cấp, các ngành khi có chủ trương chính thức của Đảng, Nhà nước thì cần chủ động chuẩn bị các văn bản, văn kiện, hướng dẫn có liên quan. Đặc biệt là các văn bản hướng dẫn quy trình triển khai đặc xá từ cơ sở đến Trung ương, có sự kiểm tra chặt chẽ, thực hiện đúng quy định Luật Đặc xá 2018 và Nghị định 52/NĐ-CP của Chính phủ ban hành năm 2019 quy định chi tiết một số điều của Luật Đặc xá.  

Trước đó, thực hiện Luật Đặc xá năm 2007, Chủ tịch nước đã 7 lần quyết định về đặc xá nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước. Sau 10 năm thực hiện Luật, tổng số phạm nhân được Chủ tịch nước quyết định đặc xá cho hơn 87.000 người. Nhờ công tác hỗ trợ người được đặc xá được thực hiện tốt, nên số người tái phạm tội rất thấp.

TTXVN