Các địa phương đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngay từ đầu năm đã sớm cụ thể hóa bằng văn bản chỉ đạo, điều hành cụ thể, nhất là Nghị quyết số 01 và 02. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng đã kịp thời ban hành chương trình, kế hoạch hành động, văn bản điều hành để tổ chức thực hiện hiệu quả các mục tiêu đã đề ra.
Lãnh đạo 25 tỉnh, thành phố phát biểu đánh giá cao Chính phủ đã kiên định quan điểm chỉ đạo, điều hành linh hoạt đảm bảo sự hài hòa các mục tiêu cấp bách trước mắt cũng như tính tổng thể lâu dài đối với định hướng phát triển của nền kinh tế; đặc biệt là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tăng trưởng hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội.
Các địa phương đặc biệt đánh giá cao điều hành chính sách tiền tệ, quản lý thị trường vàng của Chính phủ, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định thị trường… Nhờ vậy, kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm nay chuyển biến đúng hướng, cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đã minh chứng chủ trương, đường lối và chính sách phát triển kinh tế-xã hội đúng đắn của Trung ương.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương đã tập trung đóng góp nhiều ý kiến vào chín nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2014, phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 5,8%, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4% và tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động…
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, giai đoạn 2014-2015 là giai đoạn then chốt trong hội nhập quốc tế, đặc biệt là hoàn thành xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Do vậy, các bộ, ngành và địa phương cần phải nắm bắt cơ hội để bứt phá phát triển.
Đánh giá về tình kinh kinh tế-xã hội năm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, năm nay chúng ta phải đối đầu với nhiều khó khăn, thách sức, song với sự nỗ lực chung của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực, cơ bản thực hiện được các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu.
Nổi bật là kinh tế vĩ mô ổn định hơn, vững chắc hơn; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012; thị trường ngoại tệ, trị trường vàng ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng mạnh. Việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất được quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả, khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều có tăng trưởng, nhờ đó GDP cả năm tăng khoảng 5,42%; tổng đầu tư toàn xã hội vẫn đạt khoảng 30% GDP; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực.
Đặc biệt là trong khó khăn, nhưng công tác an sinh và phúc lợi xã hội vẫn được đảm bảo; văn hóa, y tế, giáo dục tiếp tục có bước phát triển; công tác cải cách hành chính đạt những kết quả tích cực; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc biên giới lãnh thổ, chủ quyền quốc gia...
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục như GDP chưa đạt kế hoạch, kinh tế vĩ mô có mặt chưa thực sự vững chắc, sản xuất kinh doanh còn khó khăn, việc xử lý nợ xấu còn chậm, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế diễn ra còn chậm, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương có lúc còn chưa nhịp nhàng...
Đề cập tới các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, mục tiêu tổng quát là tiếp tục chỉ đạo tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Trong đó lưu ý cần đặc biệt quan tâm thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, song song với đó là thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để thực hành tiếp kiệm, chống lãng phí; giữ vững ổn định tỷ giá, kiểm soát chặt thị trường vàng, dứt khoát nhà nước độc quyền xuất nhập khẩu vàng, các ngân hàng thương mại không được phép huy động và cho vay vàng; quan tâm đẩy mạnh hơn nữa việc xử lý nợ xấu...
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay; đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, tăng cường kiểm soát thị trường giá cả.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý các bộ, ngành và địa phương quan tâm đến việc phát triển thị trường cả trong và ngoài nước, đẩy mạnh xuất khẩu đi liền với kiểm soát tốt nhập khẩu. Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách để thực hiện và khai thác có hiệu quả các cơ hội, các ưu đãi trong cam kết quốc tế; đồng thời tích cực, chủ động đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác, nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do với EU, Hàn Quốc, với Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazakstan..., qua đó khai thác có hiệu quả các cơ hội, đảm bảo lợi ích quốc gia trong hội nhập quốc tế.
Một nhiệm vụ trọng tâm được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt lưu ý các bộ, ngành và địa phương là hết chú trọng đẩy mạnh việc thực hiện ba đột phá chiến lược, gắn với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong thực hiện các đột phá chiến lược cần quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác cải cách thể chế, tổ chức thực hiện nghiêm việc triển khai thi hành pháp luật, pháp lệnh, nghị định; rà soát, lập kế hoạch, danh mục các văn bản pháp luật cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp với Hiến pháp mới được thông qua.
Đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới cần làm tốt công tác kiểm soát thị trường giá cả, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, kiềm chế tai nạn giao thông, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, chủ động trấn áp, phòng chống tội phạm xã hội...
PV