Ngày 02/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2021.
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận các nội dung: tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 và 02 tháng đầu năm 2021; đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2020 và tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội năm 2021; kết quả thực hiện điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Trung ương năm 2020 giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2020, dự kiến triển khai dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021; quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về đảm bảo nguồn cung ứng vaccine cho tiêm chủng từ nay đến hết năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; tình hình thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết trong tháng 02 năm 2021 và một số nội dung quan trọng khác.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, trong tháng 2, các cấp, các ngành đã tập trung quan tâm, chăm lo Tết Nguyên đán Tân Sửu cho người dân chu đáo, nhất là đối tượng chính sách, người nghèo, vùng khó khăn, vùng bị ảnh hưởng thiên tai, bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết. Sau Tết, chúng ta đã bắt tay ngay vào công việc, trong đó có việc phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, phấn đấu thực hiện kế hoạch trồng mới 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới; nhiều địa phương trong cả nước đã thiết thực hưởng ứng.
Về đợt bùng phát dịch lần thứ 3 tác động tới vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc gồm Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thủ tướng cho biết, với tinh thần hành động thần tốc, truy vết, xét nghiệm diện rộng, triển khai các biện pháp cấp bách, đến nay đã cơ bản kiểm soát được tình hình và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về việc xuất ngân sách Nhà nước để nhập khẩu vaccine. Thủ tướng lưu ý, cần tiếp tục khoanh vùng, dập dịch tại huyện Kim Thành, Hải Dương; đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân…
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận một số nội dung quan trọng, trong đó có công tác tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “vaccine + 5K, không được chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch”; truy vết, khoanh vùng thần tốc hơn nữa; nhanh chóng tiêm vaccine cho các đối tượng theo Nghị quyết của Chính phủ. Thủ tướng khẳng định: “Chúng ta bảo đảm ngân sách và các mặt khác để mọi người được tiêm vaccine; ngành y tế và các cấp phải tổ chức thực hiện nghiêm túc vấn đề này một cách nhanh chóng”.
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ “còn tồn tại việc gì mà giải quyết được trong phạm vi trách nhiệm của mình thì tập trung xử lý giải quyết”, để “bước sang Chính phủ khóa mới được tốt nhất và bảo đảm tính liên tục”.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tháng 02 năm 2021 là tháng có Tết Nguyên đán. Trong dịp Tết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai tốt công tác chuẩn bị, phục vụ nhân dân đón Tết và thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để phòng, chống dịch COVID-19.
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 và 02 tháng đầu năm 2021 nhìn chung ổn định; chỉ số giá tiêu dùng tháng 02 tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng cao; tổng kim ngạch ước đạt 95,8 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD, tăng 23,2%; nhập khẩu đạt 47,3 tỷ USD, tăng 25,9%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1,3 tỷ USD.
Tính chung 02 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản được đẩy mạnh trong điều kiện tương đối thuận lợi. Công tác trồng rừng và triển khai “Tết trồng cây” đầu Xuân được tổ chức thiết thực tại nhiều địa phương. Giải ngân vốn FDI ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ. Tình hình đăng ký doanh nghiệp có nhiều tín hiệu tích cực trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp...
Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19 cùng những ảnh hưởng cộng hưởng từ biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn đang tác động tiêu cực đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và du lịch ở nước ta; áp lực lạm phát tiếp tục gia tăng trong cả ngắn và dài hạn.
Từ phân tích, nhận định tình hình, các thành viên Chính phủ đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu quan trọng nhất hiện nay là vừa phòng chống dịch hiệu quả, bảo đảm sức khỏe, tính mạng người dân, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra trong Quý I và cả năm 2021.
Phát biểu kết luận phiên họp, nhắc lại đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về năm 2020 là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm vừa qua với những kết quả, thành tích đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thành quả quan trọng này là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước, trong đó có sự đóng góp rất lớn của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các cơ quan, địa phương, nhất là cán bộ, công chức, người lao động trong hệ thống hành chính “đã luôn nỗ lực, cố gắng, kế thừa, phát huy kết quả của nhiệm kỳ trước, cống hiến hết mình trong suốt nhiệm kỳ vừa qua với tinh thần trách nhiệm cao trên tất cả các lĩnh vực”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Trong 5 năm qua, tất cả chúng ta đã đồng tâm, hiệp lực, đoàn kết, cùng với Chính phủ, các cấp, các ngành thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cho rằng tại nhiệm kỳ này, không có tư tưởng cầm chừng, ỷ lại, chờ đợi trong lúc giao thời, luôn tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ; nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân, “làm đến phút cuối cùng”. Do đó, Chính phủ khóa XIV sẽ tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và thực hiện chuyển giao nhiệm vụ cho Chính phủ khóa mới theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước, quy định pháp luật với tinh thần bảo đảm tính kế thừa, phát huy công khai, minh bạch cả về việc chuyển giao nhiệm vụ, công việc cũng như công tác cán bộ, bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự.
Về tình hình kinh tế - xã hội 02 tháng đầu năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có những dấu hiệu đáng mừng. Chúng ta tiếp tục điều hành chủ động, quyết liệt, sáng tạo, kịp thời và đạt kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định. Xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng cao, đạt hai con số, xuất siêu đạt 1,3 tỷ USD. Nông nghiệp được mùa, được giá. Tình hình doanh nghiệp có nhiều dấu hiệu tích cực... Hình ảnh và uy tín Việt Nam trên thế giới tiếp tục được nâng lên.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần đón bắt thời cơ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng đầu năm cũng như cả năm 2021. Trước hết là tập trung quán triệt, nghiên cứu, triển khai Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tiếp tục quyết liệt phòng chống dịch COVID-19 trên tinh thần “vaccine + 5K”, nếu có ổ dịch xuất hiện thì truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh ổ dịch. Thủ tướng yêu cầu ngành y tế nhanh chóng tiêm vaccine cho người dân theo đúng ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Chính phủ; tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” để phát triển kinh tế - xã hội gắn với kiểm soát tốt dịch bệnh. Cùng với đó, tiếp tục khắc phục, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, đặc biệt các doanh nghiệp dịch vụ, du lịch, vận tải, bán lẻ.
Đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6,5 % năm 2021. Nâng cao hơn nữa hiệu quả hội nhập quốc tế nhằm thúc đẩy xuất khẩu, thu hút có sàng lọc nguồn vốn FDI. Thời cơ đối với Việt Nam rất lớn, xu hướng đầu tư vào Việt Nam rất rõ ràng; vì vậy, phải có môi trường tốt để thu hút dòng vốn. Bên cạnh việc phát huy vai trò của các tập đoàn kinh tế Nhà nước, cần thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân và đầu tư công, trong đó công tác giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ rất quan trọng, góp phần tăng trưởng kinh tế và tạo nền tảng phát triển lâu dài. Thủ tướng Chính phủ đề nghị Văn phòng Chính phủ sớm bố trí buổi làm việc đôn đốc kiểm tra giải ngân đầu tư công cũng như vốn ODA.
Các cơ quan chức năng cần rà soát, điều chỉnh các gói hỗ trợ hiện tại và sớm đề xuất gói hỗ trợ đợt 2 để giúp doanh nghiệp và người dân vượt khó. Phát huy thế mạnh các trụ cột, đầu tàu tăng trưởng, nhất là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Cần Thơ và các tỉnh trọng điểm khác ở miền Đông Nam Bộ. Tiếp tục thúc đẩy kế hoạch trồng mới 1 tỷ cây xanh (tương đương 5 triệu ha rừng) ở các địa phương, “Các bộ, ngành phải làm tốt việc này, nhất là các bộ có liên quan như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường, phải có cơ chế để phát động ở các địa phương”.
Về công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV (dự kiến từ ngày 24/3 đến 7/4): Đây là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV, tập trung chủ yếu xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 và công tác nhân sự, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện các báo cáo gửi Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội theo đúng thời hạn quy định. Đồng thời, phấn đấu không để nợ đọng các văn bản hướng dẫn Luật trước khi bàn giao Chính phủ nhiệm kỳ mới.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã nghe và thảo luận về kết quả thực hiện điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Trung ương năm 2020 giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đây là một chủ trương rất cần thiết, góp phần quan trọng nâng cao tỷ lệ giải ngân, sớm đưa các công trình kết cấu hạ tầng vào hoạt động. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện báo cáo, thừa ủy quyền Thủ tướng báo cáo các cơ quan của Quốc hội và Quốc hội theo quy định.
VPCP