Thủ tướng Australia, Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh trong lễ công bố thỏa thuận tàu ngầm ở quân cảng San Diego, Mỹ, ngày 13-3.
Trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 30-3-2023, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc - Đàm Khắc Phi đã ví thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân AUKUS như “chiếc hộp Pandora” - chiếc hộp mà theo thần thoại Hy Lạp nếu được mở ra sẽ khiến những điều bất hạnh như thiên tai, bệnh tật, chiến tranh… tràn ngập thế gian. Cụ thể hơn, theo đánh giá của Trung Quốc, một khi chiếc hộp này được mở ra, cân bằng chiến lược trong khu vực sẽ bị phá vỡ, an ninh khu vực sẽ bị đe dọa nghiêm trọng, có thể kích động cuộc chạy đua vũ trang mới.
Thực ra, Bắc Kinh không chỉ quan ngại về thỏa thuận tàu ngầm trong khuôn khổ hợp tác AUKUS mà còn kiên quyết phản đối việc thiết lập AUKUS - quan hệ đối tác an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia. “Nhóm các nước bị tâm lý Chiến tranh Lạnh chi phối này không mang lại lợi ích gì, ngược lại cực kỳ có hại" - ông Đàm Khắc Phi nói.
Lập trường của Trung Quốc được đưa ra đầu tháng 3 sau khi khi Thủ tướng Australia - Anthony Albanese thông báo đã đạt thỏa thuận với Mỹ, Anh để mua tối đa 5 tàu ngầm chạy bằng lò phản ứng hạt nhân lớp Virginia, mỗi chiếc giá hơn 3 tỷ USD, trong thương vụ quốc phòng lớn nhất lịch sử nước này. Australia dự kiến chi khoảng 245 tỷ USD để mua và duy trì hoạt động của đội tàu ngầm hạt nhân đến năm 2055.
Việc Australia sẽ sở hữu các tàu ngầm hạt nhân hiện đại chưa rõ có dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực hay không, nhưng hoạt động quân sự ngày càng tăng của các nước thành viên AUKUS ở Đông Á, mà điển hình là ở Biển Đông, là mối quan tâm của Bắc Kinh. Bên cạnh những chiến dịch tự do hàng hải, hàng không của Mỹ ở Biển Đông, tháng 2 vừa qua, Lầu Năm Góc thông báo họ sẽ mở rộng hiện diện quân sự ở Philippines, khi Manila cho phép lực lượng Mỹ sử dụng 4 căn cứ mới ở những vị trí chiến lược, đồng thời củng cố năng lực tại 5 căn cứ mà họ đang triển khai quân. Đáng lưu ý, 4 căn cứ quân sự mới sau đó được tiết lộ là ở phía bắc Philippines, gần Đài Loan, và cho phép các lực lượng quân sự Mỹ linh hoạt hơn trong việc mở rộng hoạt động ở khu vực.
Cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung lâu nay đã dẫn đến những căng thẳng toàn diện, thúc đẩy sự gia tăng các hoạt động quân sự của cả hai bên. Thế nhưng, với việc thiết lập AUKUS từ tháng 9-2021, Anh cũng tăng cường các hoạt động quân sự ở Biển Đông. Ngày 27-3, Đại sứ Anh tại Philippines - Laure Beaufils cho biết: AUKUS sẽ hỗ trợ Philippines cùng các nước láng giềng ngăn chặn các mối đe dọa đối với trật tự quốc tế, vốn được xây dựng dựa trên luật lệ và tự do hàng hải ở Biển Đông, trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở vùng biển tranh chấp này. Anh đã triển khai ít nhất 2 tàu đến thăm Philippines và sẽ đảm bảo “sự hiện diện hải quân thường trực” ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương…
Tuy Đại sứ Anh ở Philippines nói: AUKUS “không nhắm vào một quốc gia cụ thể” nhưng thực tế là không quốc gia nào khi hoạch định các chiến lược lại không xác định các đối tượng cần nhắm tới. Trên thực tế, khi Trung Quốc đã được Mỹ điểm tên trong chiến lược an ninh quốc gia như một đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất thì cho dù Anh và Australia không nêu rõ nhưng những ai quan tâm tới tình hình khu vực cũng có thể hiểu AUKUS được thành lập không chỉ để bảo đảm an ninh cho các nước thành viên AUKUS và đối tác mà còn nhằm vào Bắc Kinh. Và, cũng không phải tự nhiên, AUKUS hay các quan hệ đối tác an ninh khác được thành lập trong những năm gần đây. Chúng được thành lập sau khi Trung Quốc quân sự hóa các thực thể họ chiếm đóng trái phép ở Biển Đông và có các hoạt động khiến các nước láng giềng lo ngại. Philippines, quốc gia đã trao hơn 200 công hàm phản đối hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông kể từ năm 2022, hoan nghênh việc thành lập AUKUS, xem đây như một đối trọng của Trung Quốc trong khu vực.
AUKUS đã được cụ thể hóa với những chiếc tàu ngầm hạt nhân cùng những hoạt động quân sự ngày càng nhiều ở khu vực. Chiếc hộp Pandora đã có và có thể được mở ra bất kỳ lúc nào. Thế nhưng, trong chiếc hộp trong thần thoại này vẫn còn chứa một điều không xấu là “hy vọng”. Hy vọng rằng các quốc gia sẽ có cách để hiểu nhau hơn, để cùng đối thoại giải quyết vấn đề thay vì phải mở chiếc hộp chết chóc.
Thanh Huyền