Các địa phương đang tích cực chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Thực hiện Chỉ thi số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, đến nay đã có hàng trăm tổ chức Đảng cấp quận, huyện và tương đương tiến hành xong Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2020-2025.

Hầu hết cán bộ, đảng viên đánh giá các Đại hội thành công, kể cả nơi cán bộ chủ trì không trúng cử vào BCH đảng bộ khóa mới - vì những đồng chí đó không đủ tiêu chuẩn, không xứng đáng với trọng trách được giao. Nhưng dư luận cũng băn khoăn về việc chỉ định cán bộ tham gia cấp ủy trái với quy định của Đảng, gây băn khoăn trong nhân dân.

Không chỉ trường hợp ở Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh,  ngày 30-7-2020, tại Hội nghị lần thứ nhất, BCH Đảng bộ huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, đến phần bầu cử nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ đã công bố quyết định điều động, chỉ định ông Hà Việt Hùng - Phó trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy, giữ chức vụ Phó bí thư Huyện ủy Yên Lập nhiệm kỳ 2020-2025 và điều động, chỉ định ông Nguyễn Kim Ngọc - Trưởng phòng Thẩm định và Quản lý chất lượng công trình giao thông, thuộc sở Giao thông - Vận tải tỉnh tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy; giới thiệu ứng cử bầu giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND huyện Yên Lập. Trước đó, ngày 18-6-2020, Huyện ủy Yên Lập có tờ trình về phương án nhân sự tham gia BCH Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, không có tên ông Hà Việt Hùng và ông Nguyễn Kim Ngọc.

Còn ở tỉnh Trà Vinh, ngày 30 và 31-7-2020, huyện Càng Long, tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025. Tại đây, bà Huỳnh Thị Hằng Nga - Bí thư Tỉnh đoàn cũng được Thường vụ Tỉnh ủy chỉ định tham gia BCH và giữ chức Bí thư Huyện ủy Càng Long.

Trả lời thắc mắc xung quanh 3 vụ việc trên đây, cán bộ lãnh đạo hoặc cơ quan tổ chức Tỉnh ủy các địa phương này đều khẳng định làm đúng quy định của Đảng.

Vậy đúng hay sai? Trước hết, Điều lệ Đảng quy định, theo nguyên tắc tập trung dân chủ, các cơ quan lãnh đạo của Đảng đều do Đại hội đảng viên hay Đại hội đại biểu bầu ra; việc chỉ định cấp ủy chỉ thực hiện trong những trường hợp đặc biệt.

Đất nước hòa bình, công tác chuẩn bị đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  XIII của Đảng đã được chuẩn bị từ năm 2019, theo Chỉ chỉ số 35-CT/TW của Bộ Chính trị thì có gì là đặc biệt?, nên việc chỉ định nhân sự 3 trường hợp trên đây không rơi vào trường hợp đặc biệt.

Cũng  theo Hướng dẫn số 26/HD/BTCTW ngày 18-10-2019, của Ban Tổ chức T.Ư về “Một số nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, ở mục 7- Công tác quy hoạch, chuẩn bị nhân sự các cấp (trong phần III - Một số nội dung yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự,) đã nói rõ: 1- Cùng với việc thực hiện công tác quy hoạch theo định kỳ, các cấp ủy, tổ chức Đảng tập trung chỉ đạo thực hiện công tác rà soát quy hoạch cán bộ vào quý IV-2019, trong đó, lấy quy hoạch cấp ủy làm cơ sở để quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý…; 2- Để chuẩn bị một bước nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần chủ động thực hiện điều động, luân chuyển, phân công, bố trí cán bộ theo sát đề án nhân sự cấp ủy đã được thông qua; trong đó, quan tâm lãnh đạo,tăng cường cán bộ cho những nơi còn thiếu hoặc có phương án điều động, phân công công tác khác đối với nhân sự ngay sau đại hội…; 3- Công tác nhân sự phải thực hiện đúng nguyên tắc, cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình nhân sự theo quy định; thực hiện nghiêm việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền theo tinh thần Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị…; 6- Thực hiện dừng việc bổ sung cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 trước 6 tháng tính đến thời điểm Đại hội ở mỗi cấp theo Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị..”.

Đối chiếu với Hướng dẫn 26/HD/BTCTW cho thấy, các nhân sự được Ban Thường vụ các Tỉnh ủy chỉ định trên đây đều không được quy hoạch, không thực hiện nguyên tắc đánh giá tiêu chuẩn cán bộ, không theo quy trình 5 bước. Việc điều động, luân chuyển vội vàng, sai quy định và có biểu hiện vi phạm việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Thực chất, đây là cách “lách” cho những người này không phải thông qua bầu cử mà vẫn vào Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, làm Bí thư, Phó bí thư được.

Trước sức ép của dư luận và ý kiến của Ban Tổ chức T.Ư, sau 13 ngày được chỉ định làm Bí thư Đảng bộ T.P Bắc Ninh, ông Nguyễn Nhân Chinh đã được điều về làm Phó giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Ninh mà không công bố lý do. Dư luận đang chờ đợi Tỉnh ủy Phú Thọ, Tỉnh ủy Trà Vinh xem lại quyết định chỉ định nhân sự tham gia Huyện ủy Yên Lập và Huyện ủy Càng Long vừa qua và mong muốn những trường hợp như vậy không xảy ra tại đại hội Đảng bộ các quận, huyện... còn lại.

Đỗ Công Huynh