Khinh hạm Đô đốc Gorshkov của Nga tại cảng Cape Town của Nam Phi ngày 15-2 để tham gia tập trận cùng Hải quân Nam Phi và Trung Quốc.
Hình ảnh châu Phi với chiến tranh, xung đột và nghèo đói thường trực đã dần nhường chỗ cho những cơ hội đầu tư của các nước lớn như Trung Quốc, Nga, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Tuy vậy, khát vọng phát triển kinh tế của các quốc gia châu Phi cũng bị gắn với những toan tính chính trị của các ông lớn.
Có thể nói, quốc gia đầu tiên quan tâm và đầu tư lớn nhất vào châu Phi là Trung Quốc. Thương mại ở châu Phi đã thay đổi đáng kể trong 20 năm qua và Trung Quốc hiện là nhà cung cấp hàng hóa hàng đầu cho hơn 30 quốc gia ở châu lục này. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi đã được thúc đẩy mạnh mẽ trong hai thập niên qua, khi giá trị xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước châu Phi đã tăng từ 5 tỷ USD lên 110 tỷ USD. Trung Quốc còn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở châu Phi trong nhiều năm nay. Ngoài ra, quốc gia này còn là nguồn tài trợ 25% cho cơ sở hạ tầng ở lục địa này vào năm 2018.
Tất nhiên, thương mại song phương tăng nhanh sẽ có lợi cho cả Trung Quốc và châu Phi. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã “tranh thủ” đặt được một căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên của mình tại Djibuti.
Có lịch sử gắn liến với nhiều cuộc chiến tranh ở châu Phi nhưng EU lại chậm chân hơn Trung Quốc về quan hệ thương mại với châu lục này. Phải tới tận đầu năm 2022 tại Hội nghị thượng đỉnh EU - Liên minh châu Phi lần thứ sáu tại Brussels, EU mới công bố khởi động một chương trình quy mô lớn nhằm thu hút đầu tư vào châu Phi với tổng trị giá hơn 150 tỷ Euro trong giai đoạn đến năm 2030.
Trong khi EU và Trung Quốc cạnh tranh ở châu Phi thì Nga và Mỹ cũng không đứng ngoài. Bên cạnh ảnh hưởng về kinh tế, mâu thuẫn về chính trị, ngoại giao giữa Nga và Mỹ trong việc tranh giành ảnh hưởng ở châu Phi được thấy rõ ràng hơn. Như cuộc điện đàm gần đây với Tổng thống Nam Phi - Cyril Ramaphosa, Tổng tống Nga - Vladimir Putin nhắc lại đề nghị cung cấp miễn phí ngũ cốc và phân bón của Nga cho các nước châu Phi, đồng thời cho biết, ông ủng hộ đề xuất của Tổng thống Nam Phi mời các nhà lãnh đạo châu Phi tham gia đàm phán về tiến trình hòa bình cho Ukraine.
Với quan hệ ngày càng chặt hơn giữa Nga và châu Phi, nhất là Nam Phi, Mỹ không chỉ công khai phản đối mà còn có những hành động cản trở. Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi đầu tiên sau 8 năm được tổ chức tại Washington cuối năm 2022, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo của 49 quốc gia châu Phi, đại diện khoảng 300 công ty Mỹ và châu Phi, giới chức Mỹ đã cố gắng chứng minh rằng hợp tác với Mỹ có lợi cho châu Phi hơn là hợp tác với Nga và Trung Quốc. Trước đó, tháng 4-2022, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật chống lại “các hoạt động độc hại của Nga ở châu Phi”. Dự luật cũng quy định việc Mỹ “trừng phạt” các nước châu Phi vì hợp tác với Nga. Bộ trưởng Ngoại giao Nga - Sergei Lavrov gọi dự luật này là "sự khiêu khích của Mỹ"; điều này thực sự chứng tỏ cách tiếp cận thuộc địa đối với các quốc gia châu Phi. Các nhà lãnh đạo từ một số quốc gia châu Phi cũng phản ứng mạnh mẽ trước dự luật của Mỹ. Trong một cuộc gặp với Tổng thống Mỹ - Joe Biden, Tổng thống Nam Phi nói dự luật này không công bằng. Còn người phát ngôn của Quốc hội Zimbabwe - Jacob Mudenda nói: “Ở các nước châu Phi, họ đã phản ứng một cách quyết liệt trước dự luật của Mỹ với mục tiêu chống lại “các hoạt động ác ý của Liên bang Nga ở châu Phi”, bởi vì đó là sự xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia ủng hộ Nga”.
Chiến tranh và đói nghèo là điều mà châu Phi mong muốn rũ bỏ. Hợp tác với các “ông lớn” là điều mà châu lục này thực sự cần để thực hiện điều đó. Thế nhưng, khi kinh tế lại đi kèm với các điều kiện chính trị thì quả là thế khó cho châu lục.
Thanh Huyền