CCB Lê Đăng Thung ở huyện miền núi Khánh Sơn với mô hình tròng cây lâu năm.

Giảm nghèo, làm kinh tế giỏi luôn là nội dung quan trọng trong hoạt động của Hội CCB tỉnh Khánh Hòa. 5 năm qua, các cấp Hội đều chú trọng tổ chức thực hiện nhiệm vụ này. Cán bộ Hội cơ sở nằm trong Ban Giảm nghèo của xã, định kỳ hằng năm tổ chức rà soát số hộ CCB nghèo, cận nghèo; xác định chỉ tiêu, biện pháp phấn đấu. Vì vậy 5 năm qua, công tác giảm nghèo thu được kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ CCB nghèo đến nay còn 279 hộ (giảm 61,5% so với năm 2016), hộ khá, giàu là 11.394 hộ (chiếm 66,9%).

Để đạt được kết quả kể trên, các cấp Hội thực hiện nhiều chủ trương, cách làm thiết thực: Tạo điều kiện cho hội viên vay vốn; tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về ứng dụng KHKT về tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, Hội coi trọng phát triển các mô mình sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau giữa các hội viên.

Là tỉnh có đủ các dạng địa hình rừng núi, đồng bằng, biển đảo nên tỉnh Khánh Hòa có thể phát triển nhiều ngành nghề kinh tế. Theo điều kiện cụ thể ở từng nơi, CCB chủ động xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế phù hợp. Các địa bàn nông thôn, miền núi, hội viên CCB mạnh dạn vay vốn xây dựng, phát triển các trang trại trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, nuôi trồng thủy sản… có giá trị kinh tế, mang lại thu nhập cao, ổn định. Giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động thường xuyên và thời vụ, như trang trại của CCB Nguyễn Tiến Cường ở xã Ninh Thượng, huyện Ninh Hòa, trồng 60ha mía đường, keo lai và dâu nuôi tằm. Trang trại của CCB Phương Thục ở xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh có 3,5ha nuôi tôm, cá mú và ốc hương công nghệ cao. Trang trại của CCB Mai Văn Khang ở Sơn Lâm trồng 12ha sầu riêng cao sản. Trang trại của CCB Nguyễn Văn Ban ở Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn trồng 3,5ha chuyên canh sầu riêng... Nhờ xác định đúng chủng loại cây, con phù hợp để nuôi trồng, trang trại của các hội viên CCB đã cho thu nhập cao.

Ở các huyện Vạn Ninh, huyện Diên Khánh và thị xã Ninh Hòa, CCB thành lập 4 HTX kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012; Hội CCB có 7 tổ hợp tác liên doanh, liên kết sản xuất để nâng cao chất lượng và tiêu thụ sản phẩm. Như Tổ hợp tác ở Ninh Ích, Ninh Hòa thuê đất của địa phương, tập hợp CCB trồng lúa; Tổ hợp tác ở thị trấn Cam Đức nuôi gà đẻ... đều cho hiệu quả kinh tế tốt. Các tổ hợp tác của CCB thu hút 350 lao động cùng sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững.

Các HTX do CCB làm giám đốc tuy quy mô không lớn nhưng cũng góp phần tập hợp xã viên lao động sản xuất đạt kết quả tốt. Như HTX trồng tỏi sẻ Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh có 29 xã viên, trồng 6,3ha có sản lượng hằng năm 300 tấn, đạt tiêu chuẩn VIETGAP và đăng ký sản phẩm OCOP.  HTX nông nghiệp Diên Tân, huyện Diên Khánh thu hút 315 lao động, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số trồng lúa đặc sản RVT và lúa thường năng suất cao, HTX chủ yếu làm dịch vụ cung cấp phân bón, thu mua, xay xát lúa. Ngoài việc tập hợp lao động, giúp nhau đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm các HTX còn góp một tiêu chí quan trọng, giúp địa phương hoàn thành 19 tiêu chí đạt chuẩn xã Nông thôn mới.

Đến nay, tỉnh Khánh Hòa có 266 doanh nghiệp vừa và nhỏ do CCB làm chủ hoạt động nhiều lĩnh vực khác nhau. Hằng năm, các doanh nghiệp của CCB đóng góp 5% ngân sách cho tỉnh, thu hút 4.646 lao động. Điển hình là Công ty Bất động sản Hà Quang, Công ty TNHH Suntaxi, Công ty du lịch - thương mại Quốc tế, Công ty TNHH Mỹ Á... Tuy nhiên, trong 2 năm 2020-2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên có khoảng hơn 2.000 CCB không có việc làm ổn định, đời sống của hội viên và gia đình gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp và hội viên hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ.

Kinh tế phát triển, đời sống được cải thiện, CCB có điều kiện giúp nhau giải quyết khó khăn về nhà ở và tham gia vào các chương trình và phong trào ở địa phương. Trong 5 năm qua, bằng các nguồn đóng góp của hội viên và vận động các hội viên Hiệp hội Doanh nhân CCB, các nhà hảo tâm, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và tiền trợ giúp của T.Ư Hội CCB Việt Nam, Hội CCB tỉnh xóa được 63 nhà dột nát. Các cấp Hội vận động hội viên góp 9.872 ngày công làm đường giao thông, nạo vét kênh mương nội đồng; tham gia làm 3.000m đường hoa, 4.500m đường đèn chiếu sáng; hiến hơn 15.000m2 đất làm đường, xây dựng nghĩa trang, trị giá 2,38 tỷ đồng và 780 triệu đồng tiền mặt. Tổ thu gom rác của CCB xã Ninh Ích được đầu tư xe ô tô thu gom rác thải; ngoài ra, Hội CCB xã Ninh Sim, Ninh Vân cũng vận động hội viên tự mua sắm xe ô tô thu gom rác thải trong địa bàn góp phần giải quyết môi trường, được cấp ủy chính quyền địa phương ghi nhận, ủng hộ và đánh giá cao.

Bài và ảnh: Công Thi