Các công ty môi giới bất động sản quảng cáo khắp nơi.
Trong cơn bão đại dịch Covid-19, doanh nghiệp dịch vụ, sản xuất khó khăn, người lao động mất việc làm. Thế nhưng, trên thị trường bất động sản lại sôi động hơn bao giờ hết, xảy ra tình trạng loạn giá đất là do các đối tượng môi giới hay còn gọi là “cò” đất thổi “từ giá thực thành giá ảo”.
Làm trò sốt đất
Vụ clip xuất hiện trên mạng xã hội ngày 21-12-2021, tại một khu đất trống ven đường, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước có hàng chục người dựng rạp, phát loa ầm ĩ và có một số người tay cầm sổ đỏ chạy đi chạy lại để chốt giá các lô đất nền. Sau khi sự việc xảy ra, cuộc diễn trò trên đã bị nhiều người dân bóc mẽ. Đơn vị tổ chức dàn dựng cảnh sốt đất là Công ty TNHH địa ốc Nam Khương có trụ sở ở tỉnh Bình Dương.
Ngày 4-3-2022, UBND huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước ban hành quyết định xử phạt hành chính Công ty địa ốc Nam Khương với số tiền 100 triệu đồng vì vi phạm “Kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, đồng thời vừa là nhà môi giới vừa là một bên thực hiện hợp đồng trong một kinh doanh bất động sản”. Theo chính quyền xã Lộc Khánh cho biết: Khu đất trên là đất trồng cây, không có bất cứ một dự án nhà ở nào được các cấp thẩm quyền phê duyệt.
Những ngày gần đây, người dân thôn Hà Xá, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị bỗng thấy xuất hiện hàng trăm người tập trung ở một khu đất tại thôn Hà Xá. Khu đất rộng khoảng hơn 1ha, đã được san lấp bằng phẳng, gần một con đường bê tông. Nhóm môi giới bắc loa hô to, cứ vài phút lại hô có một lô được chốt giá, lô ít tiền nhất là 650 triệu đồng.
Người dân ở thôn Hà Xá cho biết, Triệu Ái là xã nông thôn, người dân chủ yếu là làm nông nghiệp, ít khi thấy người dân nơi đây mua bán đất ở, mà giá mua bán cũng chỉ khoảng 120-150 triệu đồng trên một lô đất rộng khoảng 120m2.
Trả lời phóng viên, ông Phan Văn Linh - Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho biết: Lãnh đạo huyện có nắm bắt được sự nêu trên và đã chỉ đạo UBND xã Triệu Ái và các đơn vị liên quan xác minh, làm rõ vụ việc.
Thời gian gần đây, Quảng Trị là một trong những địa phương liên tục xảy ra tình trạng “sốt đất” khiến chính quyền tỉnh này phải vào cuộc chấn chỉnh.
Người bán và người mua đều dính bẫy “cò” đất!
Anh Trần Long, ở quận Hà Đông, T.P Hà Nội chia sẻ: Tháng 12-2021, anh Long mua 3 lô đất, diện tích 125m2/lô tại xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Giá mỗi lô đất là 1,5 tỷ đồng, sau một tuần nghe “cò” đất thổi giá 3 lô đất anh Long mua có giá 2 tỷ đồng/lô. Thế nhưng, vừa rồi anh Long cần tiền có việc muốn bán 3 lô đất trên và trưng biển bán mãi không có có ai đến mua, chỉ thấy “cò” đất xuất hiện làm giá xong lại không thấy quay lại. Đợi hơn 1 tháng, anh Long phải nhờ một công ty môi giới bất động sản gần địa bàn bán hộ, họ nói với anh Long là đất chỉ bán được 1,1 đến 1,2 tỷ đồng/lô, nhưng phải cắt tiền môi giới là 3% tổng giá trị bán được.
Anh Nguyễn Văn Hoàng, ở huyện Hoài Đức, T.P Hà Nội cho biết: Cách đây 2 năm, anh Hoàng có mua một lô đất có diện tích 120m2 tại phường Quảng Tâm, T.P Thanh Hóa với giá 700 triệu đồng. Thời gian gần đây trên địa bàn phường Quảng Tâm cũng xuất hiện nhiều người đến xem đất, làm giá. Tưởng là đất đắt, vì coi trên mạng toàn thấy mọi người rao bán những lô đất bên cạnh nhà anh với giá từ 1,2-1,4 tỷ đồng. Anh Hoàng cũng trưng biển bán đất nhưng toàn thấy người đến hỏi mua và hỏi giá xong rồi đi không quay trở lại.
Vì cần tiền, anh Hoàng đến một công ty môi giới bất động sản trên địa bàn phường, bên môi giới họ nói luôn với anh là lô đất của anh bán giỏi lắm chỉ được khoảng 750 triệu đồng, nhưng phải chi cho bên môi giới là 30 triệu đồng sau khi bán được lô đất.
Ở xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, cách đây 4 năm, mỗi lô đất tái định cư có giá từ 250 đến 300 triệu đồng/lô có diện tích 100m2. Thế nhưng, từ tháng 10-2021 đến nay, giá đất khu vực xã Thiện Kế được thổi lên mỗi lô đất như trên có giá 2,5 tỷ đến 3 tỷ đồng. Hay ở các huyện như Tam Dương, Vĩnh Tường, Phúc Yên của tỉnh Vĩnh Phúc cũng có tình trạng sốt đất ảo do “cò” đất thổi.
Mới đây, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu 7 sở, ngành cùng các huyện, thành phố vào cuộc. Trong đó Sở Xây dựng không xem xét giải quyết những đề xuất mới về chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền tại các dự án… Đồng thời, Sở Xây dựng chủ trì với các địa phương tổ chức kiểm tra hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn tỉnh, chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc còn yêu cầu công an tỉnh này theo dõi các khu vực có dấu hiệu giá đất tăng đột biến, điều tra những người có hành vi đầu cơ, thổi giá, làm thị trường, tạo cơn sốt đất ảo.
Hoàng Thanh