Bệnh parkinson là một rối loạn thoái hoá của hệ thần kinh trung ương gây ảnh hưởng đến tình trạng cử động, thăng bằng và kiểm soát cơ của bệnh nhân. Bệnh thuộc nhóm các bệnh rối loạn vận động, có đặc điểm cứng cơ, run, tư thế và dáng đi bất thường, chuyển động chậm chạp và trong trường hợp bệnh nặng người bệnh có thể mất đi một số chức năng vận động vật lý. Bệnh thường có các triệu chứng sau:
Triệu chứng về vận động
Bệnh thường xuất hiện 4 triệu chứng về vận động: run, cứng, chậm chạp và giảm thăng bằng.
Run: Khi bệnh tiến triển, người bệnh bị run ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể như tay, chân, đầu... Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng run nhẹ xuất hiện ở các ngón tay, chi dưới, miệng hoặc vùng đầu, có thể co giật nhẹ và run khi cố gắng ngồi, di chuyển. Run tăng lên khi xúc động, tập trung. Run của bệnh Parkinson có đặc điểm đều đặn, bốn chu kỳ/giây.
Cơ bắp cứng: Biểu hiện này xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, những cơ bắp có thể sẽ bị giới hạn về phạm vi chuyển động và gây đau đớn.
Hoạt động chậm chạp: Do khớp cứng đờ, không linh hoạt, cơ bắp đau nhức nên bệnh nhân trở nên chậm chạp và gặp khó khăn khi di chuyển, quay đầu, cầm nắm... Nhiều người cho rằng đây là vấn đề của tuổi già, song cũng có thể dấu hiệu sớm của bệnh thoái hóa thần kinh.
Suy giảm thăng bằng: Người bệnh parkinson thường có dáng người co cúi, hai vai gập xuống, đầu nhô ra trước. Cùng với những rắc rối trong cử động thì họ khó giữ được thăng bằng và dễ dẫn đến nguy cơ té ngã.
Triệu chứng về thần kinh
Bệnh parkinson gây ra một số rối loạn trung khu thần kinh, trong chủ yếu là nhận thức, tâm trạng và các vấn đề hành vi. Rối loạn nhận thức trong một số trường hợp có thể xảy ra ngay cả trong giai đoạn đầu của bệnh. Một tỷ lệ rất cao người bệnh sẽ có suy giảm nhận thức nhẹ.
Ngoài ra, bệnh parkinson còn xuất hiện các triệu chứng như: Thay đổi về giọng nói (giọng nói nhỏ và khó nghe), rối loạn giấc ngủ (mất ngủ về đêm, thường cảm thấy khó ngủ, hay gặp ác mộng), khuôn mặt ít biểu cảm (ít biểu lộ các cảm xúc như buồn vui, giận dữ hay chán nản...), táo bón (có thể xuất hiện từ rất sớm, là do bệnh làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh tự chủ, làm giảm nhu động ruột và gây ra táo bón), thay đổi về khứu giác (bệnh parkinson có thể làm tổn thương khứu giác, khiến người bệnh mất dần khả năng nhận biết mùi, ngửi mùi vị không chính xác), rối loạn chức năng tình dục (giảm hoặc tăng ham muốn tình dục), rối loạn cơ vòng bàng quang (mót đái liên tục, đái són, đái nhiều hoặc đái dầm ban đêm).
Hiện nay, y học hiện đại cũng chưa có cách nào để phòng ngừa và chữa khỏi hẳn được bệnh parkinson. Tuy nhiên, các thuốc điều trị có thể làm giảm triệu chứng của bệnh. Người bệnh cần đi khám để được dùng thuốc và có những tư vấn thích hợp trong ăn uống và sinh hoạt hằng ngày.
Thành An