Máy bay Mỹ xuất kích từ tàu sân bay tiến hành không kích lực lượng Houthi ở Yemen.

Những cuộc tấn công dữ dội của Mỹ nhằm vào lực lượng dân quân Houthi ở Yemen cùng sự đáp trả của tổ chức vũ trang Hồi giáo này cho thấy cuộc đối đầu giữa Mỹ và Houthi ngày càng leo thang.

Cuối tuần trước, quân đội Mỹ đã không kích ồ ạt vào hải cảng Ras Isa - một trung tâm nhiên liệu trọng yếu tại tỉnh Hudaydah do Houthi kiểm soát ở tây bắc Yemen, khiến ít nhất 74 người tử vong và hơn 150 người khác bị thương. Trong hành động đáp trả, Houthi đã phóng 1 tên lửa đạn đạo Zulfiqar vào Israel, đồng thời tấn công 2 tàu sân bay Mỹ USS Harry S. Truman và USS Carl Vinson, cùng với các tàu hộ tống của 2 chiếc hàng không mẫu hạm này ở Biển Đỏ và Biển Arab.

Đây là diễn biến mới nhất trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Houthi liên quan đến những diễn biến phức tạp tại Trung Đông. Ngày 19-11-2023, hơn 1 tháng sau cuộc tấn công diệt chủng của Israel nhằm vào người Palestine ở dải Gaza, Houthi bắt đầu tấn công vào các tàu thương mại có liên quan đến Israel đi qua eo biển Bab al-Mandab trên Biển Đỏ để thể hiện tình đoàn kết với người dân Palestine.

Eo biển Bab al-Mandab nằm giữa Yemen thuộc châu Á và Djibouti thuộc châu Phi chỉ rộng khoảng 28km. Đây là một trong những tuyến đường hàng hải bận rộn nhất thế giới, có tầm quan trọng chiến lược, nối Biển Đỏ với vịnh Aden của Ấn Độ Dương. Hoạt động của Houthi khiến thông thương trên Biển Đỏ bị gián đoạn, nhiều tàu thương mại phải chọn giải pháp thay thế đi vòng quanh châu Phi, tiêu phí thêm hàng triệu USD nhiên liệu.

Đầu tháng 1-2024, Mỹ và Anh mở Chiến dịch Poseidon Archer với loạt các cuộc không kích quy mô lớn nhằm vào Houthi với lý do bảo đảm hoạt động vận tải quốc tế đi qua Biển Đỏ. Đặc biệt, kể từ ngày 15-3-2025, máy bay chiến đấu và tàu chiến của Mỹ ồ ạt tấn công, nhắm vào các thủ lĩnh, các kho tên lửa và mục tiêu quan trọng của Houthi. Mở cuộc không kích vào cảng Ras Isa lần này, Mỹ muốn làm suy yếu nguồn lực kinh tế của Houthi. Nhà ga hàng hóa tại cảng Ras Isa, nằm cách thành phố cảng Hudaydah khoảng 55km về phía Bắc, có năng lực chứa 3 triệu thùng dầu và hiện do Houthi kiểm soát. Mỗi năm, thuế nhập khẩu nhiên liệu qua cảng này mang lại hàng triệu USD cho lực lượng của Houthi.

Những diễn biến mới nhất trên Biển Đỏ khiến dư luận lo ngại xung đột giữa Mỹ và Houthi sẽ kéo dài. Kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump tiếp tục tăng cường các cuộc tấn công nhằm “xóa sổ hoàn toàn” lực lượng Houthi. Ông Trump cũng định danh lại Houthi là “tổ chức khủng bố” và yêu cầu thắt chặt các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với tổ chức này. Theo ông Trump, đây là nỗ lực áp đảo và sẽ kéo dài cho đến khi Mỹ đạt được mục tiêu.

Tuy nhiên, hiện thực hóa những mục tiêu mà ông Trump đưa ra không phải là điều dễ dàng. Theo các nhà phân tích, chiến dịch không kích mới chỉ kéo dài vài ngày đã gặp những khó khăn, như kho vũ khí chính xác có hạn, cuộc khủng hoảng khu vực có nguy cơ lan rộng hơn, trong khi các tay súng Houthi không có dấu hiệu lùi bước, ngay cả khi đối đầu với lực lượng quân sự hùng hậu của Mỹ.

Theo truyền hình CNN (Mỹ), kể từ khi ông Trump ra lệnh tấn công lực lượng Houthi ở Yemen ngày 15-3, hàng trăm triệu USD đã được sử dụng để mua tên lửa hành trình tầm xa JASSM, JSOW (bom lượn dẫn đường bằng GPS) và tên lửa Tomahawk. Các máy bay ném bom tàng hình B-2 từ căn cứ Diego Garcia đã được triển khai, trong khi hai tàu sân bay cùng nhóm tàu tác chiến, máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không cũng được điều động tới khu vực Trung Đông. Chỉ trong vòng 3 tuần qua, tổng chi phí cho hoạt động của quân đội Mỹ chống lại lực lượng Houthi ở Yemen đã lên tới gần 1 tỷ USD.

Còn theo truyền thông quốc tế, riêng trong năm 2024, Mỹ đã phóng hơn 800 tên lửa trong chiến dịch không kích Houthi, bao gồm 135 tên lửa hành trình Tomahawk với giá lên tới 2 triệu USD mỗi quả, cùng 155 tên lửa tiêu chuẩn được phóng từ các tàu chiến Mỹ, với chi phí từ 2 đến 4 triệu USD/quả. Nghịch lý là ở chỗ, những quả tên lửa đắt tiền này chỉ được dùng để đối phó với các tên lửa và thiết bị bay không người lái (UAV) trị giá có khoảng 2.000 USD của Houthi.

Chiến dịch không kích của Mỹ nhắm vào Houthi đang làm căng thẳng thêm nguồn cung vũ khí của Mỹ, vốn đã chịu áp lực bởi bất ổn an ninh ở châu Âu và Trung Đông. Hiện ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ không theo kịp tốc độ tiêu hao của quân đội Mỹ, cũng như nhu cầu hỗ trợ các đồng minh và đối tác ở các “điểm nóng” xung đột hiện nay. Quan trọng hơn, đánh giá về hiệu quả sứ mệnh của hải quân Mỹ nhằm ngăn chặn lực lượng Houthi ở Yemen, Phó đô đốc George Wikoff, Chỉ huy Bộ tư lệnh trung tâm Hải quân Mỹ, thừa nhận: “Chúng ta đã ngăn chặn được chúng chưa? Chưa. Giải pháp sẽ không đến bằng hệ thống vũ khí”.

Tiến Thành