Sau thời gian chống chọi với bệnh bụi phổi silic, mới đây, thêm 1 công nhân từng làm việc ở Công ty TNHH Châu Tiến, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã qua đời. Như vậy, đến thời điểm này, 6 công nhân quê huyện Nghi Lộc và Quỳnh Lưu từng làm việc tại Công ty Châu Tiến tử vong do bụi phổi silic.
Thông tin được Bộ Y tế khuyến cáo:
Bệnh bụi phổi silic là tình trạng bệnh lý của phổi do hít thở bụi có chứa silic trong môi trường lao động. Đặc điểm của bệnh là xơ hóa và phát triển các hạt ở hai phổi gây khó thở, về X. quang phổi có hình ảnh tổn thương đặc biệt.
Bệnh bụi phổi silic chiếm tỷ lệ cao nhất trong 28 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm ở nước ta. Tính đến cuối năm 2011, tổng số ca bệnh nghề nghiệp tại Việt Nam là 27.246 người, trong đó bệnh bụi phổi silic chiếm hơn 74%.
Triệu chứng
- Khó thở gắng sức là triệu chứng cơ bản, đặc hiệu của bệnh do xơ hóa phổi hoặc khí thũng.
- Ho và khạc đờm: Giai đoạn đầu thưa, ít; về sau ho và khạc đờm thường xuyên và kéo dài, là biểu hiện của viêm phế quản mạn tính.
- Đau ngực là dấu hiệu hay gặp, thường đau ở vùng đáy phổi.
- Ho ra máu, khạc đờm đen: Ho ra máu thường trong trường hợp kết hợp với bệnh lao phổi, ho khạc đờm đen trong, lỏng gặp ở công nhân ngành than.
Những công việc có nguy cơ mắc bệnh
Những người làm các công việc tiếp xúc với bụi silic tự do chủ yếu như: Khai thác quặng đá có chứa silic tự do; đẽo mài đá có chứa silic tự do; tán, nghiền, sàng các quặng đá chứa silic tự do; công việc đúc tiếp xúc với bụi cát khuôn, làm sạch vật đúc; làm sạch hoặc làm nhẵn vật bằng tia cát; sản xuất, chế biến thủy tinh, gạch chịu lửa, đồ gốm...
Điều trị
Bệnh bụi phổi silic là bệnh xơ hóa phổi không hồi phục, hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu. Chỉ có các loại thuốc chữa triệu chứng và nâng cao thể trạng, giúp làm giảm, ngừng tiến triển bệnh.
- Điều trị viêm phế quản mạn tính: Dùng các thuốc kháng sinh, long đờm, giảm ho.
- Trong biến chứng suy tim: Dùng digital, lợi tiểu, nghỉ ngơi, ăn nhạt.
- Trong suy hô hấp phải cho thở oxy.
- Thuốc bổ dưỡng nâng cao thể trạng, các loại sinh tố...
Dự phòng
- Thay các nguyên liệu ít hoặc không có chứa silic.
- Sản xuất trong chu trình khép kín tránh làm bụi phát tán rộng.
- Cơ giới hóa, tự động hóa quá trình sản xuất, thông gió, hút bụi, che chắn máy phát sinh bụi, nổ mìn vào cuối ca làm việc và trong môi trường được làm ẩm.
- Đeo khẩu trang và mặc quần áo bảo hộ trong khi làm việc.
- Sử dụng phương pháp làm ướt để cắt, bào hoặc mài vật liệu.
- Tắm rửa và thay quần áo sau khi làm việc.
- Không ăn uống trong hoặc gần khu vực chứa bụi silic.
- Rửa tay và mặt trước khi ăn.
- Thường xuyên kiểm tra môi trường lao động, tổ chức khám tuyển, khám sức khỏe định kỳ hằng năm và khám định kỳ 6 tháng một lần cho những nơi có hàm lượng bụi silic tự do cao.
Hiện, bệnh bụi phổi chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, bạn có thể được điều trị kiểm soát triệu chứng và ngăn bệnh tiến triển bằng cách sử dụng thuốc giảm viêm, rửa phế nang toàn bộ hai phổi, thuốc giảm quá trình xơ hóa phổi, thở oxy.
Thành An