Tốt nghiệp Trường sư phạm cấp II năm 1970, Vũ Trọng Cường lên Hòa Bình công tác. Tại Trường cấp II Hợp Châu, huyện Kim Bôi, thầy giáo Cường đem hết nhiệt tình, trí tuệ dạy chữ Bác Hồ cho con em các dân tộc thiếu số ở đây. Tháng 8-1972, anh giáo trẻ Vũ Trọng Cường tạm gác giáo án, lên đường nhập ngũ.

Được biên chế vào Trung đoàn 15 đặc khu Quảng Nam, rồi chuyển về Đại đội 1, Tiểu đoàn 24, Sư đoàn 5 Quân khu 7, từ năm 1972 đến khi vào giải phóng Sài Gòn, anh tham gia đánh 12 trận, dùng B.40 tiêu diệt 5 xe tặng địch.

Sau khi miền Nam được giải phóng, đơn vị gợi ý để anh trở lại làm giáo viên, nhưng anh nghĩ: “Dù làm gì, khi hoàn thành nhiệm vụ cũng rất vinh dự, nhưng tôi xin tình nguyện ở lại quân đội”. Với quyết tâm ấy, anh được giữ lại trong quân đội và đi học Trường Quân chính Quân khu 7. Học xong, Vũ Trọng Cường về nhận công tác ở Đại đội 2, Tiểu đoàn 5 Công binh. Tham gia 20 trận đánh bảo vệ biên giới phía Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế, trong đó trận Sa Nul ở nước bạn Campuchia kéo dài 7 ngày đêm, anh không bao giờ quên.

Trận đánh diễn ra trên một quả đồi có vị trí rất quan trọng giáp với biên giới nước ta. Công sự đào theo đường vòng cung của nửa quả đồi quay về phía tây. Lúc đầu, bộ binh ta trấn giữ nhưng lực lượng không cân sức nên chúng ta thương vong nhiều. Đồng chí Lực - Tiểu đoàn trưởng chỉ thị: “Nếu công binh không lên hỗ trợ ngay thì sẽ bị mất chốt”. Vũ Trọng Cường dẫn đơn vị lên tham gia trận đánh. Dọc theo giao thông hào lên đến chốt chỉ còn 11 đồng chí không bị thương; trong khi đó địch rất đông, ước tính gấp hàng trăm lần quân ta. Lên đến chốt, Cường nhanh chóng phân công 3 người 1 hầm. Hầm ngoài cùng được trang bị 1 khẩu B.41 và 2 khẩu AK. Hầm thứ 2 gồm 1 đại liên và 2 khẩu AK. Hầm thứ 3 được trang bị 1 B.40  và 2 khẩu AK. Ở mỗi hầm, anh bố trí 7 quả mìn định hướng ĐH10 và 5 quả mìn Cơlâymo (loại mìn gây sát thương rất mạnh, ta thu được của địch) theo hướng chính diện và hai bên phải trái của hầm, rồi lập kế hoạch tác chiến. Khi địch dùng số đông bò lên chốt, anh lệnh cho AK nhả đạn ở hầm 1, B.40 phát hỏa ở hầm 3, còn ở hầm 2 thì đại liên bắn liên tiếp. Và cứ thế quay vòng không ngớt, hết B.41 lại AK và đại liên, rồi B.40.

Bằng cách đánh nghi binh này, địch không phát hiện được lực lượng của ta. Khi chúng lên sát chốt thì cho nổ mìn định hướng DH10 và mìn Cơlâymo tiêu diệt. Cuộc chiến không cân sức này diễn ra đến ngày thứ 7 thì Vũ Trọng Cường bị một quả cối bắn trúng hầm và bị thương, được đưa đi cấp cứu. Vết thương chưa khỏi hẳn, anh lại trở về đơn vị chiến đấu giữ chốt cho đến khi bộ binh lên tiếp viện. Trận này, Vũ Trọng Cường được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Đây là trận đánh quan trọng nhất kết hợp với quả trình chiến đấu anh dũng trong vòng 7 năm liên tục, đến năm 1979, anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Trong trận mạc, Vũ Trọng Cường là người lính dũng cảm, luôn nhận khó khăn, nguy hiểm về mình. Với đồng đội, Vũ Trọng Cường là người bạn, người anh chí cốt chí tình, thường xuyên chỉ cho đồng đội những kinh nghiệm quý báu để tránh thương vong. Trong thời bình, anh luôn nêu cao vai trò của mình trong mọi lĩnh vực. Hiện nay đã trở thành ông nội, ông ngoại nhưng ông Cường vẫn  tham mưu với Hội CCB, Hội Người cao tuổi (NCT) xã về công tác chăm sóc và phát huy vai trò của Hội CCB, Hội NCT, và đề xuất với Ban Thương binh - Xã hội địa phương để chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho thương bệnh binh. Ông trực tiếp cùng Hội CCB nuôi cá để cải thiện đời sống; tham gia sinh hoạt đều ở chi hội CCB, NCT Thượng Phú .

Tới thăm ngôi nhà đơn sơ của CCB, Anh hùng LLVTND Vũ Trọng Cường cùng người vợ là Đặng Thị Vinh nằm sâu trong một ngõ vắng tại xóm Thượng Phú xã Nam Hồng, huyện Nam Trực (Nam Định) tôi càng nhận rõ những phẩm chất của người Anh hùng này luôn tỏa sáng ở mọi nơi mọi lúc.

Nguyễn Đức Hòe