Ban Chấp hành mới ra mắt Đại hội và báo chí truyền thông.
Thế là, Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X, diễn ra trong ba ngày, từ 23 đến 25-11-2020 thành công tốt đẹp, hơn cả mong đợi!
Nói hơn cả mong đợi, bởi mấy lần đại hội trước, rất nhiều chuyện không hay đã xảy ra. Chuyện kẻ nói chẳng có người nghe, giành giật micro để phát biểu, có đại biểu không được Đoàn Chủ tịch cho phép vẫn lên thao thao bất tuyệt... Tình trạng nhốn nháo khiến không ít nhà văn phải thốt lên: Quá cái chợ! Đặc biệt, đã mấy nhiệm kỳ, đại hội không bầu đủ Ban Chấp hành. Như Đại hội lần IX, gần 1.000 hội viên mà số người đủ phiếu tín nhiệm vào Ban Chấp hành chỉ đếm hơn đầu ngón tay. Năm nay may quá, trước đại hội, văn giới đã rất ồn ào, cứ tưởng tình trạng bầu thiếu số lượng Ban Chấp hành sẽ tái diễn, thì không, bầu một lần đã đủ số lượng 11 ủy viên. Nhiều nhà văn đã và đang công tác trong quân đội trúng cử với số phiếu tín nhiệm cao như Nguyễn Bình Phương, Trần Đăng Khoa, Khuất Quang Thụy...
Có tờ báo chê rằng, Đại hội Hội Nhà văn mà chẳng thấy ai bàn sâu về nghiệp vụ, chỉ thấy bàn tán xôn xao về nhân sự. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã thẳng thắn nói rằng: Bầu Ban Chấp hành là nhiệm vụ quan trọng nhất của Đại hội, vì bầu đúng, bầu đủ Ban Chấp hành thì Hội mới có “đầu tàu” để khơi nguồn trong hơn 1.000 hội viên “làm” công việc sáng tạo văn chương, hội viên của Hội còn cả 5 năm tới để bàn sâu về từng lĩnh vực của văn chương...
Có lẽ, trong những người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, chỉ có Chủ tịch Hội nhà văn là dám thẳng thắn nói như thế, rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất của đại hội là bầu cơ quan lãnh đạo. Còn hầu như tất cả các hội khác, đều “giữ kẽ” khi nói rằng, đại hội thành công vì đã thảo ra được chương trình hành động sát thực, sau đó mới nhắc đến vấn đề nhân sự.
Tôi cho rằng, ý kiến của nhà văn Nguyễn Quang Thiều là xác đáng. Trong hệ thống chính trị, chỉ có Đại hội Đảng các cấp thì tầm quan trọng của nghị quyết mới đáng đưa lên hàng đầu, thứ hai mới là nhân sự. Sở dĩ như thế vì Đảng ta là đảng cầm quyền, nghị quyết, văn kiện của Đại hội Đảng quyết định đến con đường đi của cả dân tộc, đất nước. Như ông bà ta từng nói: “Dù ai cho bạc cho vàng/ Không bằng chỉ lối, dẫn đàng cho ta”. Ngoài Đảng ra, đại hội của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, cái quan trọng nhất là tìm được người tài đức để bầu làm lãnh đạo. Có người đủ tài, đủ đức, lại có nghị quyết của Đảng dẫn đường, chắc chắn hoạt động của tổ chức đó sẽ cho kết quả tốt đẹp, góp phần vào con đường phát triển đi lên của dân tộc, của đất nước.
Nhà thơ Hữu Thỉnh - nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá rằng: Việc bầu cử của Đại hội lần thứ X của Hội Nhà văn Việt Nam thành công tốt đẹp có nhiều nguyên nhân, trong đó có vai trò “lãnh đạo mà như không lãnh đạo” của cấp trên, mà cụ thể là Ban Tuyên giáo T.Ư - cơ quan tham mưu của T.Ư Đảng. Không áp đặt nhân sự, để đại hội dân chủ thảo luận và tiến hành bầu cử (dù có đôi chút lộn xộn ở khâu tổ chức). Những định hướng đúng đắn, “nói phải củ cải cũng nghe”, các đại biểu vốn hay đề cao “cái tôi” cũng đều “thông tư tưởng” về tiêu chuẩn, cơ cấu. Kết quả là việc bầu cử diễn ra dân chủ, tốt đẹp. Việc bầu cử có số dư tỷ lệ lớn, nhưng kết quả bầu cử vẫn rất tập trung cho thấy, không nên “sợ” vấn đề tản mát phiếu bầu.
Cơ chế bầu cử rất quan trọng. Cơ chế đúng thì đại hội sẽ luôn bầu được người tài đức, cơ chế không đúng thì đại hội sẽ chọn nhầm người. Mà tổ chức chọn nhầm lãnh đạo thì là thảm họa cho tổ chức đó. Cho nên, một đất nước muốn phát triển bền vững, phải luôn tìm tòi để có cơ chế bầu cử đúng, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Chân lý chỉ sáng tỏ thông qua tranh luận. Bầu cử sẽ tìm được người tài đức nếu có tranh cử. Thực tế ở Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam là một minh chứng. Tất nhiên, từ chuyện bầu cử ở Hội Nhà văn, đến việc tìm ra cơ chế, phương thức bầu cử tốt nhất cho tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị là vấn đề cần được nghiên cứu rất kỹ lưỡng.
Trong thời đại ngày nay, cuộc bầu cử nào cũng mang tính giai cấp, nhưng công nghệ, phương thức bầu cử tiên tiến thường có giá trị phổ quát. Cho nên, ngay cả trong Đảng, cũng cần có những nghiên cứu khoa học để đổi mới phương thức bầu cử, phát huy những nét mới có giá trị của các tổ chức trong nước, đồng thời tiếp thu, học hỏi những phương thức bầu cử của nước ngoài phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Đó cũng là một nội dung của đổi mới chính trị, vấn đề vốn rất phức tạp, nhạy cảm hiện nay.
Thanh Hà