Cán bộ, nhân viên Trung tâm Nghiên cứu (Cục Cơ yếu - Bộ Tổng tham mưu) trao đổi tính năng kỹ thuật, chiến thuật sản phẩm mới trong ứng dụng công nghệ bảo mật, an toàn thông tin.
Nhiều quốc gia đang phải đối mặt với nguy cơ thách thức mang tính toàn cầu về an ninh mạng. Thật nguy hiểm và không thể lường trước được thiệt hại nếu hệ thống mạng quân sự bị các đối tượng xấu đột nhập và điều khiển. Các chuyên gia an ninh mạng cho rằng, trong thời gian tới, tình hình an toàn thông tin sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường. Để rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo CCB Việt Nam có cuộc trao đổi với Thượng tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Nguyên Ngọc - Phó chủ nhiệm Khoa Công nghệ thông tin, Học viện Kỹ thuật Quân sự. Xin được giới thiệu cùng bạn đọc:
PV: Thưa Thượng tá Trần Nguyên Ngọc, đồng chí có thể cho biết bức tranh chung về tình hình mất an toàn thông tin trên thế giới cũng như Việt Nam hiện nay đang diễn ra như thế nào?
Thượng tá Trần Nguyên Ngọc: Câu chuyện về mất an toàn tin đã diễn ra ở tất cả các quốc gia và tất cả các lĩnh vực. Đã có khoảng 8,7 triệu người dùng các tài khoản Facebook bị lộ lọt thông tin cá nhân. Cục Quản lý an toàn hạt nhân quốc gia Hoa Kỳ cũng đã đăng thông báo mời thầu các doanh nghiệp tham gia để ngăn chặn các cuộc tấn công mạng nhằm vào các cơ sở hạt nhân. Còn đối với nước ta, theo báo cáo của Cục An toàn thông tin, gần 100 đường dẫn trên các trang web tại Việt Nam bị tấn công, lợi dụng để thực hiện hành vi gây mất an toàn thông tin...
PV: Mặc dù luôn được coi là có độ bảo mật và an toàn cao, nhưng trong thời gian vừa qua, hệ thống máy tính của quân đội một số nước đã bị tin tặc tấn công. Vậy, các tin tặc đã thực hiện tấn công mạng quân sự bằng cách nào ạ?
Thượng tá Trần Nguyên Ngọc: Khái niệm tấn công mạng máy tính quân sự nên hiểu rộng hơn, không chỉ là việc tìm cách phá hoại làm hỏng một hệ thống. Mục đích quan trọng nhất của các hoạt động tấn công mạng máy tính là để lấy cắp thông tin. Đặc biệt là các thông tin bí mật quốc phòng. Thứ hai mới là các mục đích phá hoại. Đôi khi việc mất an toàn thông tin xảy ra do những hành động thiếu ý thức của quân nhân, người dùng trong hệ thống. Ví dụ như một căn cứ quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương đã vô tình bị lộ thông tin do các quân nhân đeo thiết bị cảm biến đo thân nhiệt. Vô hình chung, toàn bộ các thiết bị cảm biến đó kết nối lại đã đưa ra một bức tranh chung về toàn bộ vị trí, hoạt động của căn cứ quân sự. Cũng có những thông tin về việc tin tặc đánh cắp thông tin quân sự thông qua việc gửi email đến các công ty quốc phòng…
PV: Có chăng nguy cơ các tin tặc tấn công mạng vào hệ thống thông tin điều khiển của các máy bay quân sự, hệ thống điều khiển tên lửa. Nếu như điều này xảy ra thì hậu quả như thế nào, thưa đồng chí?
Thượng tá Trần Nguyên Ngọc: Thực ra việc tin tặc tấn công vào hệ thống điều khiển của các thiết bị công nghệ cao, như máy bay không người lái, hệ thống điều khiển tên lửa…, nhưng xác suất không lớn. Mặt khác, việc tấn công vào các hệ thống này sẽ phải kết hợp nhiều yếu tố. Bên cạnh việc là dùng các hệ thống công nghệ thông tin thì họ phải dùng các hệ thống chế áp điện tử các công nghệ khác. Nếu tin tặc có thể tấn công vào hệ thống này thì các hệ thống thiết bị công nghệ cao bị mất kiểm soát, người điều khiển sẽ hoàn toàn bị mất quyền điều khiển phương tiện hoặc hệ thống…
PV: Ở một số đơn vị thường có thói quen gửi tài liệu qua thư điện tử Gmail, điều này có ảnh hưởng gì đến mất an toàn thông tin không, thưa đồng chí?
Thượng tá Trần Nguyên Ngọc: Trao đổi thông tin qua hệ thống thư điện tử là một nhu cầu thường xuyên của xã hội hiện đại. Tuy nhiên, đối với cả việc trao đổi các thông tin quân sự thì lại phải cân nhắc. Ở đấy, chúng ta không kiểm soát được mà toàn bộ được kiểm soát bởi hãng công nghệ. Cho nên, các thông tin chuyển giao qua đó chỉ dùng với mục đích cá nhân. Còn các nội dung liên quan đến công việc thì theo chúng tôi là tuyệt đối không gửi qua mạng Internet.
PV: Vậy để không bị lộ lọt thông tin quân sự, theo đồng chí, quân nhân khi sử dụng các thiết bị có kết nối mạng internet cần phải chú ý các biện pháp an toàn như thế nào?
Thượng tá Trần Nguyên Ngọc: Khi sử dụng thiết bị kết nối mạng Internet như máy tính, điện thoại di động cần nâng cao ý thức chấp hành các nguyên tắc đảm bảo an toàn thông tin của đơn vị cũng như của Chính phủ. Phải chú trọng đến các phần mềm bảo mật. Khi tương tác với mạng Internet, chúng ta không vào các địa chỉ trang web lạ, không chuyển phát tán các nội dung mà chúng ta không kiểm soát được, không tải về, không sử dụng các tệp tin có nguồn gốc không rõ ràng và đặc biệt là chúng ta không sao chép dữ liệu gây mất an toàn giữa hệ thống mạng Internet cũng như hệ thống mạng nội bộ của quân sự.
PV: Xin cảm ơn đồng chí.
Trường Giang (thực hiện)